Ngôi đền thờ thần Trống Đồng và hội thề cổ xưa nhất nước ta

Trần Siêu |

Nhờ thần báo mộng về việc ba người em trai có tâm mưu phản mà vua Lý Thái Tông mới giữ yên ngôi báu.

Bởi vậy, hội thề Trung Hiếu ra đời và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Hội thề Trung Hiếu gắn liền với ngôi đền Đồng Cổ thuộc phường Bưởi (Tây Hồ - Hà Nội). Cho đến nay, ngôi đền ấy đã ngót nghét nghìn năm tuổi, và hội thề cũng ngần ấy thời gian tồn tại - là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động thời Lý.

Giúp Vua Hùng, phù nhà Lý

Ngôi đền thờ thần Trống Đồng và hội thề cổ xưa nhất nước ta - Ảnh 1.

Tục thờ thần Trống Đồng đã trở thành một bộ phận tín ngưỡng dân gian.

Theo hồ sơ di tích do Sở VH,TT&DL Hà Nội biên soạn, đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng. Ngôi đền do vua Lý Thái Tông lệnh xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái - vị trí tọa lạc là nơi hợp lưu của hai dòng sông Thiên Trù và Tô Lịch.

Do đặc điểm điều kiện khí hậu tự nhiên xưa kia, công việc trị thủy bảo vệ phía Tây thành Thăng Long rất khó khăn, thần Đồng Cổ đã góp công trong việc phù trợ, giúp dân trị thủy thời đó.

Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần Trống Đồng, vốn là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, thuộc bộ Cửu Chân. Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại vương”.

Núi Đồng Cổ hiện nay chính là cụm ba ngọn núi có tên là Tam Thai ở bên hữu sông Mã thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa). Tương truyền, năm 986 thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Lê Hoàn đánh giặc Chàm tại sông Ba Hòa (Tĩnh Gia). Khi thắng trận, Lê Hoàn đã tạ ơn và ghi cho đền câu đối: Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh/ Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt hồ.

Sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên thời Trần ghi rằng: Theo Báo cực truyện chép: Vương là thần núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa, tục gọi là núi Khả Phong... Năm 1020, thái tử Lý Phật Mã theo vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, đến Trường Châu, một đêm thần Đồng Cổ báo mộng cho Lý Phật Mã: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”.

Sau khi thắng trận trở về, Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong.

Đến khi Lý Thái Tổ mất, Thái Tông lên nối ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, xin nhà vua nên kíp đề phòng”. Vua thức dậy còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra đúng như lời thần báo. Vua lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước Đại vương”.

Nguồn gốc hội thề

Ngôi đền thờ thần Trống Đồng và hội thề cổ xưa nhất nước ta - Ảnh 3.

Tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định - Thanh Hóa) cũng có đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi các sự kiện xảy ra năm 1028 có đoạn: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề.

Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Khi tỉnh dậy, vua sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm.

Vua chiếu cho hữu ti dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy đắp đền, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo. Ở trước thần vị, vua đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”.

Các quan đi từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng Ba gặp ngày quốc kỵ, hoãn đến ngày 4/4”.

Tục lệ đó được giữ suốt hai thế kỷ triều Lý, gián đoạn một vài năm ở triều Trần. Nhưng chỉ ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm giống nhà Lý nhưng sửa đổi lại lời thề, và được giữ trong suốt thời Trần.

Sau đó, do nhà Hồ chuyển đô vào Thanh Hóa nên hội thề tổ chức ở núi Đún, tức Đốn Sơn nằm phía ngoài Chính môn của thành Tây Đô (Tây Giai), gọi là hội thề Đốn Sơn.

Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề nhưng không thành. Sau vụ biến, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nên bãi bỏ hội thề.

Khôi phục đền cổ

Ngôi đền thờ thần Trống Đồng và hội thề cổ xưa nhất nước ta - Ảnh 4.

Theo tư liệu lịch sử, đền Đồng Cổ vốn được xây dựng vào năm 1028. Ảnh: IT.

Theo hồ sơ di tích, đền Đồng Cổ nằm trên khu đất cao, từ thế kỷ 20 khúc sông này bị thu hẹp dần. Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ đã phá hủy ngôi đền, người dân chuyển trống đồng về nhà Hội đồng, nhưng đến thời kỳ chống Mỹ thì trống bị mất.

Theo một số nhà nghiên cứu, trống đồng đền Đồng Cổ được coi là một bảo vật, gắn liền với nền văn hóa Đông Sơn. Trống đồng vừa là biểu tượng của quyền uy, song rất đỗi gần gũi, gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Vì vậy, việc thờ thần Trống Đồng đã trở thành một bộ phận tín ngưỡng dân gian.

Năm 2000 dân làng xây dựng lại đền Đồng Cổ, và 10 năm sau lại triển khai tu bổ tôn tạo để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dáng vẻ ngôi đền hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, cổng tam quan cũ xây lại kheo kiểu nghi môn, tiền tế xây 2 tầng 8 mái như một Phương đình. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị - áo mũ thần Đồng Cổ.

Trên trụ biểu ở cửa đền ghi câu đối: Tám đời vua, Đồng Cổ núi vang, hậu thế phong thần lưu sắc ngọc/ Ngàn năm trải, Đàn Thề biển tạc, một lòng trung hiếu tỏa ánh vàng.

Trên bức ván mê nối giữa gian Trung tế và Tiền tế có bức hoành phi đề bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ”. Đền hiện còn giữ được 12 đạo sắc phong từ năm 1741 đến 1855.

Nhà khoa bảng Trần Bá Lãm từng có bài “Vịnh Đồng Cổ đàn”: Hoa sen tám cánh, mộng không thành/ Thần núi nơi nào tự hiển linh?/ Trần Cảnh năm xưa dời trống thánh/ Đàn thề xa ngắm cỏ màu xanh.

Cho đến nay, đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề Trung Hiếu diễn ra vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm.

Theo Sở VH,TT&DL Hà Nội, đến nay còn nhiều quan điểm khác nhau về đền thờ Đồng Cổ ở Hà Nội, giữa sử sách và truyền thuyết dân gian, giữa ngôi đền/miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá (Từ Liêm) và ngôi đền/miếu ở phường Bưởi (Tây Hồ)..., song giá trị lịch sử - văn hóa của di tích là không thể phủ nhận.

Gìn giữ hội thề

Ngôi đền thờ thần Trống Đồng và hội thề cổ xưa nhất nước ta - Ảnh 6.

Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu” diễn ra tại đền Đồng Cổ - Hà Nội vào ngày 15/3/2023.

Giữa tháng 3/2023, tại đền Đồng Cổ đã diễn ra tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu”, thu hút đông đảo các nhà khoa học, như: GS Trần Văn Lan, GS Nguyễn Quang Ngọc, GS Lê Hồng Lý, PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, PGS.TS Trần Đức Cường, PGS.TS Trần Lâm Biền, TS Phạm Cao Quý…

Tọa đàm nhằm trao đổi, nhận diện giá trị di sản “Hội thề Trung Hiếu” đền Đồng Cổ. Đồng thời, định hướng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội bị phai nhạt do tác động của quá trình đô thị hóa.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đưa ra ý kiến đề xuất cần sớm xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh “Hội thề Trung Hiếu” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, cần xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết, xác thực theo truyền thống để tăng cường tính giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - cho rằng, hồ sơ cần tập trung nêu rõ 6 giá trị và 3 giải pháp. Trong đó, cần nhấn mạnh về khía cạnh Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng.

Điều đó chứng tỏ, Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống và đang tồn tại trong đời sống đương đại.

Bên cạnh đó, hồ sơ cũng cần nhấn mạnh giá trị về trao truyền hội thề qua các thế hệ để có định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Về giải pháp, TS Lê Thị Minh Lý đề xuất cần kết nối đền Đồng Cổ với các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Tăng cường truyền thông giáo dục di sản “Hội thề Trung Hiếu” và chỉnh trang, mở rộng không gian di tích đền Đồng Cổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại