Ngôi đền mang cái tên rất giản dị - đền Chín Gian (ở huyện Quế Phong, Nghệ An) nhưng từ lâu đã trở thành di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị quý báu trong cộng đồng người Việt. Đây là nơi thờ vua Trời và Tạo Mường - người có công mở cõi, lập nên 9 Mường của đồng bào Thái.
Truyền thuyết về người mở cõi
Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim (huyện Quế Phong, Nghệ An). Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIV, thờ phụng vua Trời (Thẻn Phà), Náng Xỉ Đà (con gái của vua Trời) và Tạo Ló Ỳ - người có công lập Mường.
Theo cuốn “Tục thờ thần và thần tích Nghệ An”, đồng bào người Thái ở vùng Phủ Quỳ (gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp) coi vua Trời là một thế lực siêu nhiên, có bổn phận phải thờ cúng. Thẻn Phà có thể ban cho mùa màng tươi tốt, ấm no hạnh phúc, cũng có thể tạo ra thiên tai lũ lụt, thiên tai, hỏa hoạn.
Thẻn Phà giao nhiệm vụ cho Náng Xỉ Đà xuống trần gian cai quản và hướng dẫn cho người dân cách trồng trọt, dệt vải, chăn nuôi... Sau khi qua đời, bà được đồng bào thờ phụng trong đền Chín Gian và suy tôn là “Đức mẹ Xỉ Đà”, tượng trưng cho sự chung thủy, hiền lành, cần mẫn, chịu thương chịu khó.
Về nguồn gốc của Tạo Ló Ỳ, truyền thuyết kể rằng, xưa kia Tạo Mường ở Luông Pha Băng (Lào) có hai người con trai, anh là Ló Ỳ, em là Ló Ai.
Ló Ỳ vừa thông minh vừa đức độ, được Tạo cha chọn lựa để sau này kế ngôi. Ló Ai cũng là người khôn ngoan không kém anh trai mình, nhưng tính cách tham lam và đố kỵ.
Thấy cha có ý định nhường ngôi cho anh, Ló Ai vô cùng bực tức đã ủ mưu, tìm cách hãm hại anh trai rồi vứt xác xuống sông. Xác Ló Ỳ trôi theo dòng nước, từ Luông Pha Băng xuôi về dòng sông Mã.
May mắn, Ló Ỳ được một con Quạ mớm cho một liều thuốc tiên. Sau khi sống lại, Ló Ỳ tìm đường quay về cố hương. Trên đường đi, Ló Ỳ bị lạc vào vùng đất huyện Quế Phong ngày nay.
Ở thời kỳ này, vùng Quế Phong vẫn còn sơ khai, thưa thớt người, chưa có mường, chưa có bản. Nhận thấy Ló Ỳ khỏe mạnh, thông minh, tính tình tốt bụng nên người dân tôn làm Tạo, và trở thành vị chúa đầu tiên ở đây.
Từ khi có Tạo Ló Ỳ, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, vùng đất này cũng được mở rộng thêm các mường mới. Mường do Tạo Ló Ỳ trực tiếp cai quản gọi là Mường Tôn (mường gốc), đây cũng là trung tâm hành chính của 9 Mường và là nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh cầu an, cầu phúc cho nhân dân.
Sau khi Tạo Ló Ỳ qua đời, để tỏ lòng biết ơn và kính trọng vị Tạo Mường, đồng bào Thái đã tôn ông thành một vị thần và thờ phụng trong đền Chín Gian.
Lễ hội linh thiêng giàu ý nghĩa
Xưa kia, đền Chín Gian được làm bằng tranh tre, nứa mét. Đến năm 1927, người dân các mường khai thác gỗ lim trên rừng đem về, dựng lại ngôi đền kiên cố bằng gỗ lim trên đỉnh đồi Pú Pỏm. Năm 2005, đền được Nhà nước cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Về sau, trong khuôn viên xây dựng thêm hai gian nhà thờ Phật và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữa sân đền Chín Gian bài trí hình tượng 9 con trâu làm bằng đá, trong đó có 6 con trâu đen và 3 con trâu trắng. Phía trước tượng trâu có 9 cái vạc đựng nước.
Theo quan niệm của đồng bào Thái, đây là 9 cái vạc được sử dụng để lấy nước mưa luộc trâu tế thần trong dịp Mường tổ chức lễ hội, 9 con trâu là vật hiến tế tượng trưng của các mường xưa.
Kiến trúc trung tâm của đền Chín Gian được làm theo kiểu nhà sàn. Trong đền được chia làm 9 gian tương ứng với nơi thờ tự của 9 Mường. Cách bài trí thờ tự được sắp xếp tuân theo một quy ước chặt chẽ của đồng bào dân tộc Thái.
Vị trí trang trọng nhất ở gian giữa là nơi thờ tự chính của đền được dành cho Mường Tôn, cũng là nơi thờ Thẻn Phà, Náng Xỉ Đà và Tạo Ló Ỳ. Các gian thờ còn lại là nơi thờ tự của 8 Mường anh em: Mường Pắn, mường Miểng, mường Ha Quèn, mường Chón, mường Puộc, mường Quáng, mường Chừn, mường Chọong.
Trên ban thờ đặt các đồ tế khí gắn với phong tục tín ngưỡng của người Thái như: Ống tre để đựng nước, bạc nén, vải thổ cẩm, lọng tre… Ngoài ra, còn đặt một số đồ thờ tự thiết yếu khác để phục vụ các nghi lễ tâm linh của đền.
Lễ hội đền Chín Gian có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn nhất với quy mô liên vùng khắp các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An) và lan sang cả huyện Sầm Tớ (Lào) với nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc.
Trước đây, lễ hội thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng 2 (Âm lịch), với quy mô cấp vùng. Theo tục lệ, 9 Mường phải đem 9 con trâu đến để thờ cúng. Tuy nhiên, để bớt sự rềnh rang tốn kém, sau này trong ngày hội lễ đồng bào rút gọn lễ vật chỉ hiến tế một con trâu.
Lễ chém trâu (phắn quái) được xem là hoạt động đặc sắc nhất, với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đủ đầy. Trước khi hiến tế, người dân đưa trâu xuống bến sông Tà Tạo tắm rửa sạch sẽ, sau đó buộc trâu ở cây cột trước sân đền.
Lúc này, một nam thanh niên khỏe mạnh trong trang phục quần áo truyền thống, đầu chít khăn đỏ, tiến đến vung rìu chém tượng trưng vào cổ con trâu trong tiếng hò reo của người dân đến dự lễ.
Khi tiếng hò reo kết thúc, cũng là lúc ông Chà (người sửa soạn lễ vật) vung rìu chém thật mạnh vào đầu trâu. Theo quan niệm, nghi lễ chém trâu thành công là khi con trâu ngã quỵ ngay khi bị chém một lần. Sau khi trâu chết, các Chà tiến hành làm thịt trâu, chế biến các món ăn bằng thịt trâu để làm lễ vật chuẩn bị cho đại tế.
Ngày nay, lễ chém trâu và làm thịt trâu đã được thay thế bằng việc chém tượng trưng, tránh những hình ảnh phản cảm, đảm bảo tính mỹ quan cho lễ hội.
Ngoài phần lễ, phần hội cũng hấp dẫn với những trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo, thi khắc luống, biểu diễn cồng chiêng, thi hát đối đáp giao duyên...
Lễ hội đền Chín Gian không chỉ góp phần bồi đắp nguồn sức mạnh tinh thần giáo dục truyền thống lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước, mà còn góp phần tôn tạo, gìn giữ các di sản văn hóa trong cộng đồng người Việt nói chung, đồng bào Thái nói riêng.
Tháng 6/2016, Lễ hội đền Chín Gian được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến tháng 4/2023, ngôi đền này được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.