Sau lần hoãn thứ nhất vào ngày 29.3, do bị đơn vắng mặt, chiều nay (23.4), TAND TP.HCM tiếp tục mở lại phiên xử phúc thẩm vụ án dân sự "Tranh chấp hợp tác đầu tư, dàn dựng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật" giữa nguyên đơn là diễn viên Ngọc Trinh và bị đơn là Nhà hát Kịch TP HCM.
Ngọc Trinh đến tòa án từ rất sớm
Phiên tòa phúc thẩm được thực hiện sau khi phía bị đơn là Nhà hát kịch TP không chấp nhận bản án sơ thẩm của TAND Q.1 buộc đơn vị này phải bồi thường cho Ngọc Trinh số tiền 233 triệu đồng vì vi phạm hợp đồng với diễn viên Ngọc Trinh.
Ngọc Trinh cùng luật sư Phạm Văn Sinh trước giờ xét xử
Ngọc Trinh ngồi trước phòng xử án
Đại diện của Nhà hát kịch TP.HCM là ông Trần Khánh Hoàng (nguyên giám đốc) xin phép vắng mặt. Tuy nhiên phía nhà hát cũng đã cử ông Trần Quý Bình, phó giám đốc nhà hát tham gia phiên tòa với tư cách là bị đơn cùng người đại diện pháp lý là luật sư Hà Hải.
i.Đây là phiên xử thứ 6 của vụ Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP.HCM nhưng Ngọc Trinh vẫn gặp nhiều căng thẳng
Phía nguyên đơn là diễn viên Ngọc Trinh cùng người đại diện pháp lý là luật sư Phạm Văn Sinh đã có mặt từ rất sớm tại tòa. Trong phiên tòa luật sư của Ngọc Trinh yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét và sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp thuận tổng chi phí mà Ngọc Trinh đầu tư cho 6 vở diễn là hơn 430 triệu đồng.
Đồng thời, đề nghị tòa phúc thẩm bác đề xuất hỗ trợ 52 suất diễn của Nhà hát Kịch cho Ngọc Trinh trong vòng một năm.
Hội đồng xét xử làm việc
Tại phiên tòa, Nhà hát kịch TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm nói rằng không có việc ký hợp đồng hợp tác với diễn viên Ngọc Trinh như đơn khiếu kiện đã nêu. Vì vậy không có cơ sở cũng như nghĩa vụ để bồi thường số tiền là 430 triệu đồng cho Ngọc Trinh.
Cả Ngọc Trinh và ông Trần Quý Bình (PGĐ nhà hát) đều lộ vẻ căng thẳng
Bác lại quan điểm của nhà hát, luật sư của Ngọc Trinh đã trình bày các chứng cứ cho thấy việc Nhà hát kịch TP.HCM ký hợp đồng hợp tác với Ngọc Trinh là có cơ sở pháp lý.
Trong phiên tòa này diễn viên Ngọc Trinh cũng đã rút một phần trong tổng số tiền mà cô yêu cầu nhà hát phải đền bù cho mình, đồng thời nhận sự hỗ trợ 52 suất diễn miễn phí ở Nhà hát Kịch TP.
Ông Trần Quý Bình, PGĐ nhà hát
Sau khi tranh luận giữa hai bên, diễn viên Ngọc Trinh đưa ra đề nghị nếu Nhà hát Kịch TP.HCM đồng ý chia sẻ thiệt hại với chị thì sẽ nhận 233 triệu đồng theo bản án sơ thẩm, vụ kiện sẽ được cô rút lại. Tuy nhiên phía nhà hát đã không chấp nhận yêu cầu này và tiếp tục kháng cáo.
Phiên tòa diễn ra với phần tranh cãi quyết liệt giữa hai bên
Hơn hai giờ làm việc với nguyên đơn và bị đơn, chủ tọa phiên tòa bất ngờ tuyên bố phiên xử phúc thẩm tạm dừng và sẽ mở lại vào ngày 8.5 sắp tới.
Ông Trần Quý Bình, PGĐ nhà hát trả lời câu hỏi của HĐXX
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới xung quanh việc tòa dừng xử đột ngột, diễn viên Ngọc Trinh vui vẻ cho biết đến nay cô đã quen với việc ra tòa cho nên chờ đợi thêm một thời gian nữa cũng không thành vấn đề. Ngọc Trinh cũng mong muốn phiên tòa sắp tới sẽ được xử công minh đúng theo tinh thần pháp luật.
Nhiều đồng nghiệp của Ngọc Trinh đến dự phiên tòa trong đó có NSƯT Đàm Loan
Diễn biến vụ Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP.HCM
Như báo Một Thế Giới đã có loạt bài trước đó, vụ kiện của diễn viên Ngọc Trinh với Nhà hát kịch TP.HCM có nguyên nhân bắt đầu từ năm 2014. Vào thời điểm đó nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa nghệ thuật sân khấu với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm".
Theo phong trào, diễn viên Ngọc Trinh cùng nhóm kịch của mình ký kết hợp đồng hợp tác với Nhà hát kịch TP.HCM để tham gia đầu tư xây dựng các vở diễn. Đó cũng là thời điểm nhà hát do nghệ sĩ Khánh Hoàng (tên thật là Trần Khánh Hoàng) làm giám đốc.
au khi hợp đồng được ký kết, Ngọc Trinh cùng nhóm kịch của mình đã bỏ tiền của, công sức đầu tư thực hiện 6 vở kịch tại rạp Công Nhân, rạp này cũng do Nhà hát kịch TP quản lý.
Đến tháng 10.2014 nghệ sĩ Khánh Hoàng xin thôi việc vì lý do sức khỏe. Tiếp quản và điều hành nhà hát sau khi nghệ sĩ Khánh Hoàng nghỉ việc là nghệ sĩ Quý Bình, Phó giám đốc. Tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, ông Quý Bình đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với nhóm kịch của nghệ sĩ Ngọc Trinh. Điều đó đồng nghĩa với mọi đầu tư tiền bạc và công sức cho các vở diễn của Ngọc Trinh đều bị mất trắng.
Theo nghệ sĩ Ngọc Trinh, do đột ngột dừng hợp đồng biểu diễn nên con số thiệt hại của nhóm kịch do chị phụ trách là khá lớn. Chưa nói đến công sức, số tiền Ngọc Trinh bỏ ra để đầu tư dàn dựng luyện tập cho 6 vở diễn lên đến 450 triệu đồng. Trong đó số tiền Ngọc Trinh bỏ tiền túi ra để mua kịch bản là 20 triệu đồng.
Chưa kể đến các chi phí mà Ngọc Trinh phải giao cho nhà hát để trả cho các diễn viên tham gia diễn kịch cũng lên đến con số gần 100 triệu đồng. Ước tính tổng cộng số tiền mà Ngọc Trinh đầu tư vào nhà hát lên đến 566 triệu.
Cho rằng mình là người bị hại, Ngọc Trinh đã làm đơn gửi Sở VH-TT TP.HCM yêu cầu sở can thiệp để Nhà hát kịch TP.HCM giải quyết đền bù phần thiệt hại của mình. Tuy nhiên, yêu cầu của Ngọc Trinh đã không được giải quyết thỏa đáng.
Ngày 22.6.2017, TAND Q.1 quyết định đem vụ kiện ra xét xử, thế nhưng do phía đương sự bên Nhà hát kịch TP.HCM vắng mặt không có lý do nên phiên tòa tạm thời bị hoãn. TAND Q.1, TP.HCM đã mở phiên sơ thẩm ngày 30.6.2017.
Ngày 4.7.2017: Ngọc Trinh rút yêu cầu bồi thường tiền làm kịch tết 2015 (20 triệu đồng).
Ngày 7.7.2017: Viện kiểm sát đề nghị Nhà hát kịch TP.HCM bồi thường tổn thất cho diễn viên. Ngọc Trinh xin rút khoản yêu cầu bồi thường bù lỗ diễn viên hơn 90 triệu đồng.
Ngày 11.7.2017: TAND Q.1 buộc Nhà hát kịch TP.HCM bồi thường cho diễn viên Ngọc Trinh 233 triệu đồng. Tuy nhiên Nhà hát kịch TP.HCM đã không chấp nhận và tiếp tục kháng án
Ngày 29.3.2018, phiên phúc thẩm bị hoãn xử với lý do bị đơn là Nhà hát kịch TP.HCM vắng mặt.
Ngày 23.4 TAND TP.HCM tiếp tục xét xử nhưng bất ngờ tạm dừng
Phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 8.5