Ngày 14/ 7/2015, Iran và các nước P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức đã đạt được một thỏa thuận quan trọng gọi là "Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)" - gọi tắt là Thỏa thuận hạt nhân nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.
Ngày 20/7/2015, Hội đồng Bảo an (HĐBA), trong đó có Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết 2231 quy định chấm dứt các quy định trong các nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc về vấn đề hạt nhân Iran, tức là dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Tehran.
Hiện nay, chính quyền Mỹ đang tìm cách khôi phục lại tất cả các lệnh cấm vận chống Iran và xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Vì sao chính quyền Mỹ tìm mọi cách để tái áp đặt các lệnh cấm vận chống Iran?
Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ đã quyết định đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Ngày 14/8/2020, Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết đòi gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran và ngày 20/8/2020, Washington lại đưa ra đưa ra đề nghị kích hoạt cơ chế "Quy trình đảo ngược" (snapback) tức là đòi tái áp đặt lại toàn bộ các lệnh trừng phạt chống Iran từ trước khi ký Thỏa thuận JCPOA. Tại HĐBA, chỉ có một nước duy nhất ủng hộ là Dominica, 13/15 nước còn lại đã bác bỏ cả hai đòi hỏi này của Mỹ.
Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống D. Trump vẫn tiếp tục tìm mọi cách khôi phục lại toàn bộ các lệnh cấm vận chống Iran. Có bốn lý do để Washington theo đuổi mục đích này.
Thứ nhất, mục tiêu của chính quyền D. Trump trong việc tìm mọi cách khôi phục lại tất cả các biện pháp trừng phạt chống Iran, cùng với việc gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, Nga và một số nước khác là nhằm đánh lạc hướng việc xử lý yếu kém đại dịch Covid-19, những khó khăn trong nước, đặc biệt là làn sóng chỉ trích mạnh mẽ ông trước ngưỡng cửa bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.
Thứ hai, chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống, mọi hoạt động của ông D. Trump lúc này đều nằm trong kế hoạch tranh cử, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Thông qua đòi hỏi tái áp đặt các lệnh cấm vận Iran, ông D. Trump muốn chứng tỏ mình thực hiện cam kết được đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016 là sẽ hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông cho là "thoả thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Nếu áp đặt lại được các lệnh cấm vận Iran đã được Liên hợp quốc dỡ bỏ tháng 1/2016 thì có nghĩa là Thỏa thuận hạt nhân JCPOA bị chôn vùi và ông D. Trump đã hoàn thành tất cả các cam kết của mình đối với cử tri Mỹ, từ đó tranh thủ được phiếu ủng hộ của họ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai.
Thứ ba, tiếp theo thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel, Mỹ đang ráo riết vận động Sudan, Bahrain, Ả Rập Saudi, Oman và một số nước Ả Rập khác theo bước Abu Dhabi bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv.
Cùng với những cố gắng trung gian này, việc thực hiện được mục tiêu khôi phục các lệnh cấm vận Iran bằng mọi giá cũng là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của giới lobby Do Thái trong Quốc hội và cộng đồng người Do Thái vốn có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên, ngay sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel, chính quyền Mỹ đã cử ngay Ngoại trưởng M. Pompeo và Cố vấn cao cấp của Tổng thống D. Trump, J. Kushner đến Trung Đông.
Thứ tư, trong trường hợp ông D. Trump thất cử, ứng cử viên của đảng Dân chủ J. Biden lên thay, nếu Thỏa thuận hạt nhân JCPOA bị hủy bỏ thì việc đàm phán để khôi phục lại thỏa thuận này không dễ dàng, cần thời gian và các thủ tục pháp lý phức tạp.
Và trong trường hợp Tổng thống D. Trump thắng cử, nếu các lệnh cấm vận được tái áp đặt, thì các nước ủng hộ Iran, trước hết là các nước ký kết Thỏa thuận JCPOA, trong đó có các đồng minh của Mỹ ở châu Âu sẽ phải thay đổi tư duy cũ để có cách tiếp cận mới trong quan hệ với Mỹ và Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Khả năng cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân JCPOA
Trừ Mỹ, tất cả các nước ký kết Thỏa thuận hạt nhân JCPOA, và HĐBA đều mong muốn duy trì thỏa thuận này. Mỹ hiện nay chỉ còn cách dựa vào các thủ tục để đạt được mục tiêu của mình.
Nghị quyết 2231 được HĐBA nhất trí thông qua ngày 20/7/2015 sau khi ký Thỏa thuận JCPOA, quy định: "Nếu bất cứ nước nào ký thỏa thuận này thông báo cho HĐBA về việc Iran vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận, thì các biện pháp trừng phạt Iran đã được dỡ bỏ tháng 1/2016 sẽ tự động được áp đặt trở lại trong vòng 30 ngày, trừ phi HĐBA có nghị quyết chống lại."
Các nước ủng hộ duy trì Thỏa thuận JCPOA, trong đó có Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận tháng 5/2018 thì không còn là một bên ký kết nữa, nên Mỹ hoàn toàn không có quyền đòi kích hoạt cơ chế tái áp đặt cấm vận "snapback". Trên tinh thần đó, bức thư của Ngoại trưởng Mỹ ngày 20/8/2020 gửi cho Chủ tịch HĐBA Đại sứ Indonesia Dian Triansyah Djani, đương kim chủ tịch luân phiên HĐBA tháng này là không có cơ sở pháp lý và là bất hợp pháp.
Ngay cả nội bộ chính quyền Mỹ, đảng Dân chủ, thậm chí một bộ phận của đảng Cộng hoà, đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh, cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J. Bolton, người đã từng kêu gọi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA, cũng không ủng hộ đòi hỏi tái áp đặt các lệnh cấm vận Iran của Tổng thống D. Trump.
Tuy nhiên, chính quyền D. Trump cho rằng, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng vẫn được nêu tên trong nghị quyết 2231 và Mỹ chưa bao giờ tuyên bố hủy bỏ nghị quyết này. Điều này theo logic có nghĩa là Mỹ vẫn có quyền sử dụng các cơ chế của nghị quyết 2231, tức là có quyền đòi tái áp đặt các lệnh cấm vận Iran.
Mặc dù đến nay, 13/15 nước thành viên HĐBA đã chính thức gửi thư lên Liên hợp quốc phản đối đòi hỏi của Mỹ, nhưng Washington vẫn đang cố tìm cách dựa vào các quy định về thủ tục để đạt được mục tiêu của mình.
Theo điều 36-37 của nghị quyết 2231, sau khi Mỹ gửi thư khiếu nại lên HĐBA yêu cầu tái áp đặt cấm vận Iran, thì trong vòng 10 ngày HĐBA phải nêu rõ Iran không vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận và thỏa thuận này vẫn còn giá trị. Nếu trong vòng 10 ngày không có nước nào đưa ra dự thảo nghị quyết này, thì Indonesia, nước Chủ tịch HĐBA có thể trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA.
Nếu dự thảo nghị quyết này được thông qua thì thỏa thuận JCPOA sẽ tiếp tục được duy trì và Iran không phải chịu tái áp đặt lệnh cấm vận của LHQ nữa. Còn nếu dự thảo nghị quyết này không được thông qua do 1/5 thành viên thường trực HĐBA phủ quyết thì lệnh cấm vận sẽ tự động được áp đặt trở lại.
Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết này được đưa ra thì chắc chắn Mỹ sẽ phủ quyết. Điều này có nghĩa là tất cả 6 nghị quyết cấm vận của LHQ đối với Iran trước khi ký thỏa thuận JCPOA năm 2015 sẽ được tự động kích hoạt trở lại.
Để cứu vãn Thỏa thuận JCPOA, về thủ tục 13 nước HĐBA phản đối đòi hỏi của Mỹ phải ngăn cản bằng được HĐBA đệ trình một dự thảo nghị quyết về việc tiếp tục duy trì thỏa thuận này để tránh phiếu phủ quyết của Mỹ. Đến giờ phút này, Đại sứ Indonesia Dian Triansyah Djani, nước chủ tịch HĐBA đã tuyên bố "không ở vị trí có thể hành động thêm nữa" vì không có sự đồng thuận trong HĐBA. Điều này có nghĩa là chủ tịch HĐBA sẽ không đưa ra bất cứ dự thảo nghị quyết nào về vấn đề này.
Tuyên bố trên của Indonesia đã được đa số các thành viên HĐBA hoan nghênh. Nước tiếp quản chức chủ tịch HĐBA trong tháng 9 tới sẽ là Niger. Theo các nguồn tin từ LHQ, Đại sứ Niger Abdou Abarry cũng đã gửi thư khẳng định động thái của Mỹ là bất hợp pháp.
Mỹ vẫn tìm mọi cách để xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran
Mặc dù bị đa số tuyệt đối các nước thành viên HĐBA phản đối, phái bộ Mỹ tại LHQ vẫn ra tuyên bố khẳng định Washington "có cơ sở pháp lý để kích hoạt khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran" theo nghị quyết 2231 của HĐBA. Mỹ vẫn có thể đưa ra một dự thảo nghị quyết riêng. Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn.
Trong trường hợp này, nhiều khả năng kết quả bỏ phiếu sẽ tương tự như cuộc bỏ phiếu dự thảo của Mỹ ngày 14/8 đòi gia hạn cấm vận vũ khí đối với Iran với hai phiếu chống của Nga, Trung Quốc và 11 phiếu trắng, Mỹ có thể sẽ lại thất bại một lần nữa.
Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA và tìm cách xé bỏ thỏa thuận này có thể được coi là một hành động phá hoại luật pháp quốc tế, giáng một đòn nghiêm trọng vào vai trò của Liên hợp quốc, một tổ chức toàn cầu mà Mỹ là một trong những nước đầu tiên thành lập.
Ngoài những hậu quả tiêu cực đối với Iran và các nước khác, hành động này của Mỹ còn dẫn đến làm suy yếu vai trò quan trọng của HĐBA/LHQ với tư cách là tổ chức quốc tế cao nhất trong sứ mệnh giữ gìn hòa bình và giải quyết các xung đột trên thế giới.
Hành động này của Mỹ cho thấy, bất cứ quốc gia nào cũng có thể không tôn trọng các nghị quyết của HĐBA khi các nghị quyết đó không phù hợp với lợi ích của mình và bất cứ một chế độ nào lên cầm quyền thay chế độ cũ cũng có thể không thực hiện các điều ước quốc tế mà chính quyền trước đó đã ký. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.