Đầu tiên là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật mới chưa được đặt tên được phóng từ xe phóng di động. Tên lửa này được cho là loại siêu vượt âm, tiếp nối các hệ thống vũ khí KN-23 và KN-24 mới được công bố gần đây, có vai trò và khả năng rất giống nhau, theo Military Watch.
Loại thứ hai là một lớp tên lửa đạn đạo chiến lược phóng đi từ tàu ngầm (SLBM) mới và đây là SLBM thứ ba thuộc loại này ra mắt trong vòng 15 tháng qua. Tên lửa này tiếp nối tên lửa Pukkuksong-3 đã được phóng thử nghiệm trên biển vào tháng 10 năm 2019 và Pukkuksong-4 đã được công bố trong cuộc duyệt binh vào tháng 10 năm 2020.
Tên lửa mới hơn có thể khiến hai tên lửa tiền nhiệm lỗi thời rất nhanh và dự kiến sẽ được triển khai từ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới hiện đang được đóng.
Tên lửa dự kiến có tầm bắn trung bình cao, cho phép nó đe dọa đất liền Mỹ nếu tàu ngầm tiến tới vị trí phù hợp trên đại dương. Cùng với việc công bố hai tên lửa mới, các chỉ số về một số chương trình vũ khí trong tương lai mà ngành quốc phòng Triều Tiên dự kiến theo đuổi đã được đưa ra tại đại hội đảng.
Trong số này có một vũ khí siêu vượt âm cung cấp khả năng tấn công hiệu quả hơn chống lại các mục tiêu ngoài Bán đảo Triều Tiên - đặt Nhật Bản và có thể là Guam của Mỹ trong tầm bắn.
Các vũ khí siêu vượt âm chiến thuật hiện có đã được chứng minh là gần như vô hiệu hóa hệ thống AEGIS của Mỹ, hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới phương Tây. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về việc triển khai các tên lửa siêu vượt âm trên mặt đất, trong khi Nga đã triển khai các loại vũ khí này cho các mục đích chiến lược thuần túy.
Triều Tiên cũng đang phát triển một phương tiện đa đầu đạn đa hướng cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - dự kiến sẽ được triển khai trên một tên lửa mới chưa được đặt tên, được công bố vào tháng 10 năm 2020. Điều này sẽ nhân lên sức mạnh mà mỗi tên lửa có thể mang theo và khiến Mỹ và các đối thủ khác khó đánh chặn hơn.
Một nhân tố tiềm năng khác cho khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng là việc phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân. Triều Tiên hiện triển khai hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới bao gồm các tàu tên lửa đạn đạo chiến lược, nhưng các tàu này chủ yếu được triển khai gần bờ và thiếu khả năng chịu đựng cao cho các hoạt động ở quy mô toàn cầu.
Một tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ cho phép nước này tấn công đất liền Mỹ từ bất kỳ hướng nào do sức chịu đựng cao của tàu và các đối thủ tiềm tàng sẽ khó khăn hơn nhiều khi cố gắng vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên.
Một tài sản đáng chú ý khác đang được phát triển là vệ tinh giám sát, có thể cung cấp độ chính xác cao hơn cho kho vũ khí tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như thông tin tình báo quan trọng về động thái di biến động của lực lượng Mỹ và đồng minh.
Triều Tiên trước đây đã đưa một số vệ tinh lên quỹ đạo, nhưng vẫn chưa phóng vệ tinh nào có ứng dụng quân sự. Máy bay không người lái quân sự là một lĩnh vực khác được chú ý.
Mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ của Triều Tiên với Iran được kỳ vọng sẽ giúp ích trong vấn đề này, vì trong khi việc chuyển giao công nghệ giữa hai bên nói chung là một chiều, công nghệ máy bay không người lái (drone) là một trong số rất ít lĩnh vực mà Iran trên thực tế tiên tiến hơn.
Binh chủng ít có bước tiến nhất của quân đội Triều Tiên là phi đội máy bay chiến đấu có người lái - lĩnh vực duy nhất mà công nghiệp quốc phòng của đất nước vẫn chưa thể cung cấp đủ theo nhu cầu của quân đội. Việc triển khai các hệ thống phòng không trên mặt đất tiên tiến hơn, và có thể cả các máy bay không người lái tấn công và giám sát, dự kiến sẽ bù đắp một phần cho điều này.