Gần đây, tổ chức NGO Thụy Điển là IPEN đã đăng trên website của mình một bản báo cáo với tiêu đề: "Công nhân Samsung: Báo cáo đặc biệt tiết lộ về cuộc sống của những nữ công nhân Việt Nam làm ra những chiếc điện thoại trong túi của bạn". Nội dung của báo cáo dựa trên bảng phỏng vấn 45 công nhân Samsung Electronics tại nhà máy của tập đoàn này tại Việt Nam do IPEN và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) đồng thời thực hiện.
Theo đó, kết luận được đưa ra là nhiều nhân viên của Samsung không được nhận hợp đồng lao động, tiếng ồn ở khu sản xuất cao hơn nhiều so với cho phép của VN, tất cả nhân viên được phỏng vấn đều cảm thấy mỏi mệt trầm trọng và chóng mặt, sẩy thai ở người lao động diễn ra thường xuyên...
Ngoài ra, công nhân phải đứng làm việc trong suốt 8-12 giờ đồng hồ và phải lặp đi lặp lại việc làm việc theo ca ngày đêm. Đặc biệt, báo cáo cho biết ngay nhân viên mang thai cũng phải đứng làm việc và nhiều người lao động gặp vấn đề về thị lực, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, đau chân...
Báo cáo cũng khuyến nghị cần thiết phải điều tra bổ sung về việc rò rỉ hóa chất. Bởi người lao động đang làm việc trong môi trường mở tiếp xúc với nhiều loại hóa chất đa dạng nhưng lại không nhận thức được về những rủi ro hóa chất trong công đoạn lắp ráp.
Phía Samsung ngay sau đó đã có động thái đáp trả lại báo cáo này khi khẳng định "không đồng tình" với các nhận định trên. Công ty này lấy làm tiếc vì CGFED hợp tác cùng IPEN điều tra mà không hề đến thăm nhà máy hay xác minh lại quan điểm của công ty, bởi Samsung có ký hợp đồng với tất cả các nhân viên, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi bằng cách chia ca làm - nghỉ trong ngày và đã tập huấn về các biện pháp phòng ngừa bênh xương khớp do quá trình lặp lại liên tục một vài động tác trong ca làm có thể xảy ra.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Samsung vướng phải những cáo buộc liên quan đến vấn đề sức khỏe và đối xử về tài chính với các nhân công của họ tại các nhà máy đặt ở châu Á. Năm 2016, tờ Guardian của Anh từng đăng tải bài viết dựa trên cuộc phỏng vấn độc lập với 30 nhân công của Samsung ở Malaysia.
Theo bài báo này, mặc dù phía Samsung có quy định cấp các nhà cung cấp nhân sự tịch thu hộ chiếu hoặc thu phí tuyển dụng của lao động nhập cư nhưng số công nhân làm việc cho họ vẫn phải nộp 1.200 USD mỗi người cho một công ty ở Nepal để có thể được làm việc cho các nhà máy của Samsung ở Malaysia.
Họ bị buộc làm việc đến 14 giờ/ngày mà không được nghỉ ngơi hợp lý trong lúc thời gian đi vệ sinh bị hạn chế. Nếu muốn chấm dứt hợp đồng lao động, họ phải nộp khoản tiền phạt tương đương 3 hoặc 4 tháng lương cơ bản.
"Chúng tôi chỉ có 45 phút để ăn trong ca làm việc 12 giờ và 7 phút mỗi 2 giờ để uống nước" - một công nhân tại nhà máy sản xuất lò vi sóng cho Samsung phàn nàn.
Trong khi đó, Samsung Electronics - công ty lớn nhất của Samsung - còn vướng vào vụ kiện kéo dài gần một thập kỷ với nhóm người bảo vệ nạn nhân ung thư vốn là những cựu nhân công thuộc nhà máy bán dẫn. Theo các thống kê chưa đày đủ, hơn 221 công nhân tại các nhà máy bán dẫn và sản xuất màn hình LCD của Samsung mắc bệnh mãn tính hiếm gặp và ung thư, 75 người trong số đó đã qua đời. Nhiều người mắc ung thư máu và thường ở độ tuổi 20 hoặc 30. Phần lớn họ làm việc tại Samsung từ những năm 1990 và 2000.
Trường hợp điển hình nhất vẫn được báo chí Hàn Quốc nhắc tới là Hwang Yu-Mi, qua đời vào năm 2007 ở tuổi 22 do mắc ung thư bạch cầu dạng tủy cấp tính sau thời gian ngắn tiếp xúc với hóa chất thuộc nhà máy bán dẫn Giheung của Samsung ở phía nam thủ đô Seoul.
Thời gian đầu, Samsung phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến bệnh tình của Hwang Yu-Mi, nhưng rồi buộc phải ngồi vào bàn đàm phán sau những cố gắng không mệt mỏi trên đường tìm kiếm sự công bằng của cha Hwang Yu-Mi và nhóm người bảo vệ nạn nhân ung htư do nhà máy Samsung gây ra.
Giữa năm 2014, Samsung cho biết, họ sẵn sàng thỏa thuận với những người chỉ trích điều kiện an toàn ở nơi làm việc của công nhân, nhưng từ chối thành lập một ủy ban điều tra dộc lập về môi trường làm việc ở đây. Hãng điện tử đã chi tiền trang trải chi phí chữa trị và hỗ trợ một khoản thu nhập cho người lao động nhiễm bệnh, gồm 26 loại và thực tế đã trợ cấp tài chính cho 59 công nhân để họ dừng các hành động pháp lý nhằm vào Samsung.
Nhưng phần đông những người khác vẫn đang trong quá trình đấu tranh, ít nhất là để Samsung phải thừa nhận trách nhiệm chính tới các chứng bệnh mà nhiều người đang phải gánh chịu, cũng như đưa ra lời xin lỗi chân thành. Mới đây, Samsung Electronics Co. mới tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban độc lập để điều tra các nhà máy, đồng thời thành lập quỹ 83 triệu USD để bồi thường cho các nạn nhân cũng như áp dụng những biện pháp ngăn chặn bệnh tật.