Càng cố thanh minh, Trung Quốc càng bị chỉ trích về vấn đề Biển Đông

Hải Võ |

Dù ra sức nói TQ đã tuân thủ nghiêm ngặt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), TQ vẫn hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội về những hành vi gây hấn của nước này thời gian qua.

Ông Vương Nghị nói Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy COC

Ông Vương Nghị nói rằng, hòa bình và ổn định ở biển Đông phục vụ cho lợi ích chung của nhiều bên. Ông cảm ơn nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN đã giúp tình hình biển Đông được cải thiện trong những năm gần đây, và không có vấn đề gì liên quan đến tự do hàng hải cũng như hàng không.

Theo ông Vương, Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm ngặt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định trên biển Đông.

DOC được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002, trong đố vạch ra những nguyên tắc quan trọng nhất trong kiểm soát bất đồng giữa các bên trên biển Đông. 

Quá trình tham vấn để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) - nhằm thực chất hóa và cụ thể hóa DOC - được khởi động vào năm 2013.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nhận định, thông qua COC, tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực sẽ được bảo đảm hơn, quyền và lợi ích hợp pháp của các nước bên ngoài khu vực cũng được bảo vệ tốt hơn.

"Tất nhiên, chúng tôi hy vọng các nước ngoài khu vực hiểu, tôn trọng và ủng hộ quá trình tham vấn và thực thi COC, cũng như đóng vai trò xây dựng trong gìn giữ ổn định khu vực chứ không phải hành động ngược lại," ông Vương Nghị cảnh báo.

Càng cố thanh minh, Trung Quốc càng bị chỉ trích về vấn đề Biển Đông - Ảnh 2.

(Ảnh: Xinhua/Rachen Sageamsak)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh lập trường của Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan, chiều qua 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Về tình hình thế giới và khu vực, các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình biển Đông. Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán về COC, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân…

Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng, đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc bị phản đối dữ dội về tình hình Biển Đông

Giới chức an ninh Philippines những ngày qua đã nêu báo cáo về việc ít nhất 4 chiến hạm hải quân Trung Quốc di chuyển qua vùng nước eo biển Sibutu gần tỉnh Tawi-tawi của nước này mà không thông báo cho Manila, trong khi 113 tàu thuyền của Trung Quốc được xác định hoạt động dày đặc vây quanh đảo Thị Tứ - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Philippines chiếm đóng trái phép - hôm 24/7.

Ngoại trưởng Philippines Theodore Locsin Jr. ngày 31/7 thông báo Bộ ngoại giao nước này đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh liên quan đến vấn đề kể trên. Động thái này được ông Del Rosario hoan nghênh.

Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong các ngày 30-31/7 lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh có hành động không giống với lời nói ở biển Đông, nhằm phản bác phát ngôn của đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa rằng nước này tuân thủ chính sách quốc phòng theo hướng phòng ngự và "sẽ không nổ súng trước". Ông Lorenzana nhắc lại vụ việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012 và gọi đây là hành vi "bắt nạt" nước nhỏ.

Chủ tịch ủy ban đối ngoại hạ viện Mỹ Eliot L. Engel vừa qua đã ra thông cáo, lên án "những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai phớt lờ luật pháp quốc tế. Căn cứ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của họ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)".

Cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Ely Ratner, ngày 29/7 đăng bức thư của 4 Thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Ratner kêu gọi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án hành vi của Bắ Kinh ở biển Đông khi tham dự các hội nghị với ASEAN tại Bangkok trong tuần này.

Bộ ngoại giao Mỹ ngày 20/7 nhấn mạnh, Washington phản đối mạnh mẽ mọi hành vi cưỡng chế và đe dọa từ bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình. 

"Những hành động khiêu khích lặp lại của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực, làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" - thông cáo của Mỹ viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại