Tên lửa chống tăng Javelin và các thiết bị quân sự khác tại Sân bay Borispol gần Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images
Theo ông Kuleba, trong những trường hợp như vậy, vũ khí được chuyển giao thông qua bên thứ ba.
“Hầu hết các nước thứ ba này nói rằng họ không cung cấp bất kỳ thứ gì cho Ukraine, nhưng mọi thứ vẫn đang diễn ra ở hậu trường”, ông Kuleba nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien của Pháp, song không nêu chi tiết những quốc gia nào đang bí mật hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Thông tin của ông Kuleba được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo cho rằng những nước ủng hộ Ukraine, bao gồm một số quốc gia NATO, đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí do liên tục cung cấp cho Kiev.
Tờ New York Times cho rằng, các nước NATO lớn như Pháp, Đức, Italy và Hà Lan vẫn có khả năng duy trì hoặc thậm chí tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Các quốc gia nhỏ hơn đã cạn kiệt khả năng cung cấp vũ khí”, một quan chức NATO nói với New York Times, đồng thời cho biết ít nhất 20 trong số 30 nước thành viên của khối đã chuyển giao khá nhiều vũ khí cho Ukraine.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev. Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên tiếp tục “bơm” vũ khí cho Ukraine, nói rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và có thể gia tăng nguy cơ đối đầu giữa Nga và NATO.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Mỹ đã cung cấp 19,7 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Gần đây nhất, Lầu Năm Góc ngày 23/11 thông báo gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị phòng không. Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, gói viện trợ quân sự mới này bao gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS và hệ thống tên lửa pháo cơ động cao./.