Tham vọng đầu tư của Trung Quốc tại Israel bị giáng một đòn mạnh trong tuần này. Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ giữa Tel Aviv và Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng lớn khi Israel - đồng minh chủ chốt của Mỹ - bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington.
Chính quyền Israel hôm 26-5 đã trao hợp đồng xây dựng và vận hành một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 tỉ USD cho công ty địa phương IDE Technologies, từ chối hợp tác với chi nhánh của CK Hutchison Holdings - được thành lập bởi tỉ phú Hồng Kông Li Ka-shing.
Dự án tên gọi Sorek 2 sẽ tạo ra nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới, có khả năng sản xuất 200 triệu m3 nước hằng năm. Con số này bằng 1/4 lượng nước mà Israel sử dụng mỗi năm. Theo báo South China Morning Post, nhà máy đặt ở phía Nam Tel Aviv, gần một căn cứ quân sự của Israel đang cho Mỹ sử dụng.
Quyết định trên được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington không muốn Bắc Kinh tiếp cận cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin liên lạc của Tel Aviv trong chuyến thăm nước này.
Đây là thất bại mới nhất đối với tham vọng đầu tư của Trung Quốc vào Israel - một cường quốc công nghệ và là điểm dừng chính của sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc kể từ khi hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác đổi mới toàn diện năm 2017.
Cơ quan An ninh Quốc gia Israel cũng được cho là đang xem xét lại một thỏa thuận năm 2015 giữa Bộ Giao thông vận tải Israel và Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải liên quan đến cảng Haifa. Cảng này là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận giữa Mỹ và Israel.
Sau khi nhận được cảnh báo từ các quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Tổng thống Donald Trump, Cơ quan An ninh Quốc gia Israel thông báo đã chặn việc đưa các công ty Trung Quốc tham gia cơ sở hạ tầng truyền thông của Israel. Tuy thành lập một ủy ban để xem xét đầu tư nước ngoài vào tháng 10 năm ngoái nhưng điều này chưa giúp Tel Aviv thỏa yêu cầu của Washington.
Một báo cáo của Rand Corporation (trụ sở tại Mỹ) hồi tháng 4 chỉ ra rằng kể từ năm 2013, các công ty Trung Quốc nhòm ngó tới Israel nhiều hơn bằng cách mua lại các công ty địa phương và đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng. Các công ty khởi nghiệp công nghệ Israel đã nhận được khoản đầu tư 325 triệu USD từ Trung Quốc trong 3 quý đầu tiên của năm 2018, tăng 37% so với một năm trước đó.
Sau khi kiểm tra 92 giao dịch kinh doanh của các công ty Trung Quốc tại Israel giai đoạn 2011-2018, báo cáo của Rand Corporation cho thấy 11 thỏa thuận có thể gây lo ngại cho Israel hoặc Mỹ. Trong đó bao gồm việc mở rộng cảng Ashdod, xây dựng và vận hành nhà ga mới ở cảng Haifa, xây dựng và vận hành tuyến đường sắt ở Tel Aviv và đào đường hầm Carmel gần Haifa.