Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Dấu hiệu ban đầu về sự tan băng, phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thăm Trung Quốc là dầu hiệu ban đầu về sự tan băng trong quan hệ giữa hai siêu cường sau nhiều năm nguội lạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thăm Trung Quốc trong hai ngày 18-19/6/2023. Chuyến thăm này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc sau 5 năm và cũng là chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến Bắc Kinh kể từ tháng 1/2021.

Chuyến đi của ông A. Blinken được lên kế hoạch vào tháng 2, nhưng đã bị trì hoãn do sự cố khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận của Mỹ bị bắn hạ.

Ngoại trưởng Mỹ gần đây nhất đến Trung Quốc vào năm 2018 là ông Mike Pompeo, quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bối cảnh chuyến thăm

Quan hệ hai nước Mỹ-Trung đã xấu đi nhanh chóng từ thời Tổng thống D. Trump, với việc Mỹ ban hành “Chiến lược An ninh Quốc gia” năm 2017, coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược". Sau đó, Mỹ đã phát động một cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc, cấm các công ty Mỹ bán thiết bị cho Huawei và các công ty khác với những cáo buộc về vấn đề Tân Cương, hạn chế thị thực đối với các sinh viên và học giả Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ.

Dưới thời Tổng thống J. Biden, quan hệ Mỹ - Trung Quốc còn trở nên tồi tệ hơn.

Ngay sau khi đắc cử, đầu tháng 3/2021, ông Biden đã công bố “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời - Interim National Security Strategy Guidance (INSSG)” nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu trong thế kỷ 21, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ.

Tiếp theo, tháng 9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ký một tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh, thực chất là một liên minh quân sự mới viết tắt là AUKUS bao gốm Ausralia, Anh và Mỹ, đồng thời tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mỹ ngày càng ủng hộ đảo Đài Loan (Trung Quốc) cả về chính trị lẫn quân sự. Từ thời Tổng thống Trump tới nay, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh, Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác với hòn đảo này.

Về chính trị, năm 2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã thăm chính thức đảo Đài Loan. Mới đây nhất, ngày 5/4/2023, tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và 17 nhà lập pháp Mỹ là các quan chức Mỹ đương nhiệm cấp cao đã gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lần đầu tiên trên đất Mỹ kể từ năm 1979.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Dấu hiệu ban đầu về sự tan băng, phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Bà Nancy Pelosi (trái) và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Về quân sự, Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,1 tỉ USD, gồm các loại vũ khí hiện đại nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của hòn đảo này. Trên bình diện toàn cầu, Washington thi hành chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc. Cùng với việc thiết lập quan hệ với các đồng minh, Mỹ đã đưa nhiều phương tiện quân sự tới khu vực Thái Bình Dương. Các cuộc "chạm mặt" thường xuyên diễn ra giữa tàu chiến Mỹ tham gia tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) với lực lượng Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cho rằng Mỹ đe dọa an ninh Trung Quốc.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington gần đây xấu đi nghiêm trọng trong bối cảnh sự cố khinh khí cầu và quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine, căng thẳng quân sự ở eo biển Đài Loan, cũng như ở vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Quốc.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, cảnh báo sử dụng vũ lực để tái sáp nhập hòn đảo. Mặt khác Trung Quốc tăng cường hợp tác với Nga, đồng thời tập hợp lực lượng nhằm thúc đẩy trật tự thế giới mới đa cực, thay cho trật tự đơn cực do Mỹ đứng đầu.

Có thể nói, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây hết sức căng thẳng và đang ở vào mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Không khí chiến tranh lạnh mới bắt đầu bao trùm lên quan hệ hai nước.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, Tổng thống J. Biden muốn có một số bước đi hòa dịu quan hệ với Trung Quốc.

Kết quả chuyến thăm

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đối đầu Mỹ - Trung Quốc lên đến đỉnh điểm và sau một thời gian dài quan hệ băng giá thì chỉ riêng việc gặp gỡ giữa hai siêu cường ở cấp ngoại giao cao nhất đã là một kết quả hết sức tích cực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi "đúng hướng" và không để cạnh tranh gay gắt giữa hai nước biến thành xung đột. Ông ca ngợi Ngoại trưởng A. Blinken đã "làm được một công việc tuyệt vời".

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng "tiến bộ" đã đạt được trong chuyến thăm và đánh giá cuộc gặp với ông A. Blinken và kết quả chuyến thăm của ông là "rất tốt". Đặc biệt, sau một thời gian dài đối đầu căng thẳng, hai siêu cường lớn nhất thế giới đã nói chuyện với nhau và đồng ý cần thiết phải ổn định mối quan hệ.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Dấu hiệu ban đầu về sự tan băng, phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) đón tiếp đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh ngày 18/6/2023

Trong cuộc họp báo cuối chuyến thăm, ông A. Blinken nói Washington đã đạt được các mục tiêu của chuyến thăm và chuyến công du Trung Quốc của ông là bước khởi đầu tốt đẹp, góp phần ổn định mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.

Ông nói: “Hai nước nên chấm dứt những hiểu lầm về sự cố khinh khí cầu. Chúng tôi đã nói những gì chúng tôi phải nói và chúng tôi cần làm rõ để điều này không xảy ra nữa và chương này nên được khép lại”.

Ông A. Blinken nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Mỹ hoan nghênh các cố gắng của Trung Quốc đóng vai trò "xây dựng" trong việc mang lại hòa bình cho Ukraine, dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhưng Washington lo ngại rằng các công ty tư nhân Trung Quốc đang giúp Nga và muốn Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hai bên đã đồng ý tiếp tục liên lạc ngoại giao với nhiều chuyến thăm hơn trong thời gian tới. Nhiều nhà quan sát kỳ vọng chuyến thăm này sẽ mở đường cho nhiều cuộc gặp hơn nữa ở các cấp khác nhau giữa hai nước trong những tháng tới, gồm chuyến thăm Trung Quốc đã được lên lên kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, cũng như khả năng Tổng thống J. Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tiếp theo vào tháng 9 này tại New Delhi hoặc tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến tổ chức tại San Francisco tháng 11 tới.

Những khác biệt khó giải quyết giữa hai nước

Mâu thuẫn lớn nhất là trong vấn đề Đài Loan. Đây là vấn đề "không có chỗ cho sự thỏa hiệp" và tiềm ẩn rủi ro leo thang.

Ông A. Blinken tái khẳng định chính sách "một Trung Quốc" của Mỹ không thay đổi. Ông nói: “Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng không muốn thay đổi hiện trạng”.

Trong các cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh, A. Blinken đã bày tỏ quan ngại của Mỹ về "các hành động thách thức" của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và cho rằng những căng thẳng tiềm ẩn xung quanh Đài Loan có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến toàn cầu.

Mối quan hệ của Mỹ thời Tổng thống J. Biden với Trung Quốc đã có một sự khởi đầu khó khăn. Ông Biden không sẵn lòng dỡ bỏ các hạn chế thương mại do người tiền nhiệm Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá hàng tỷ USD.

Trong một số lĩnh vực, J. Biden thậm chí còn tăng áp lực, hạn chế xuất khẩu chip máy tính của Mỹ sang Trung Quốc để duy trì ưu thế của Mỹ về công nghệ điện tử tiên tiến nhất. Trung Quốc đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu chip nhớ từ nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ, Micron. Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Dấu hiệu ban đầu về sự tan băng, phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội kiến Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 19/6/2023

Tổng thống J. Biden cho biết, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhưng không phải kẻ thù. Tuy nhiên, đạt được sự cân bằng ở đây không phải là dễ dàng, vì sự cạnh tranh cả về kinh tế lẫn chính trị ngày càng gia tăng. Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc quan tâm đến việc bình thường hóa và ổn định mối quan hệ giữa hai nước, thì lợi ích của hai cường quốc thế giới này vẫn có thể dẫn đến xung đột.

Về kinh tế, chính quyền Biden đã nhấn mạnh việc chính phủ Trung Quốc hỗ trợ hàng trăm tỷ USD để kích thích lĩnh vực sản xuất chip điện tử cho Mỹ. Trong khi đó, họ lại hạn chế xuất khẩu công nghệ máy tính tiên tiến sang Trung Quốc. Cùng với các mức thuế áp đặt từ thời ông Trump, Trung Quốc coi đây là những phát súng đầu tiên trong cuộc chiến thương mại. Ngược lại, Mỹ coi đây là một phản ứng trước việc Trung Quốc trợ cấp từ hàng chục năm nay cho các ngành công nghiệp chính của họ.

Về quân sự, Trung Quốc chưa đồng ý nối lại các kênh liên lạc quốc phòng trực tiếp mặc dù vấn đề này được Ngoại trưởng A. Blinken nêu ra nhiều lần trong chuyến thăm. Ông A. Blimken nói, việc kết nối cần phải được thiết lập lại, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gần đây ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Trung Quốc đã cắt đứt tất cả các kênh liên lạc giữa hai Bộ Quốc phòng vào năm ngoái để phản đối chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan, đồng thời nêu rõ, các biện pháp trừng phạt của Mỹ - đặc biệt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc - là trở ngại cho bước đi này.

Mỹ cho biết chính sách đối với Trung Quốc là giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột thay vì kiềm chế hoặc cô lập Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Mỹ củng cố liên minh với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ bị Trung Quốc coi là hành động răn đe, trái với tuyên bố của Washington. Đây là một trong những bất đồng sâu sắc nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài việc cạnh tranh ảnh hưởng trên cấp độ toàn cầu, danh sách các bất đồng và các điểm xung đột tiềm tàng giữa Mỹ-Trung còn nhiều, không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Tiếp theo cuộc gặp giữa Tổng thống J. Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Bali tháng 11 năm ngoái, kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken và các cuộc đối thoại tại Bắc Kinh phần nào góp phần hạ nhiệt mối quan hệ giữa hai siêu cường.

Một chuyến thăm chưa thể giải quyết được những khác biệt cơ bản giữa Washington và Bắc Kinh. Đây mới chỉ là dấu hiệu ban đầu của sự tan băng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phía trước sẽ là các cuộc thương lượng hết sức khó khăn. Đưa quan hệ hai nước ra khỏi bế tắc đòi hỏi hai phía phải có nhiều cố gắng vượt bậc hơn nữa và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại