Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới các nước thuộc vùng Bắc cực và tham dự cuộc họp Hội đồng Bắc cực tại Iceland, trong bối cảnh khu vực này trong những năm gần đây đã trở thành tâm điểm của cuộc cạnh trạnh chiến lược giữa các nước lớn. Chuyến thăm đồng thời là phép thử cho mối quan hệ không ngừng xấu đi giữa Mỹ và Nga, hai quốc gia thành viên Hội đồng Bắc Cực trước cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6/2021.
Tâm điểm của chuyến công du tới vùng Bắc cực của Ngoại trưởng Mỹ Blinken là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Reykjavik, Iceland. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai cường quốc kể từ khi chính quyền mới tại Mỹ nhậm chức hồi đầu năm nay và vào một thời điểm khó khăn trong quan hệ Nga- Mỹ.
Dù là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, song Bắc Cực trong những năm gần đây trở nên hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ do nguồn tài nguyên phong phú, mà còn do các tuyến đường vận tải biển tiềm năng mà nó mang lại. Chính vì thế, song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước còn từng bước triển khai lực lượng quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này nhằm khẳng định sự hiện diện quốc gia.
Chuyên gia Michael Sfraga, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Bắc Cực Wilson ở Washington nhận định: “Ngay lúc này có một đại dương đang mở ra trước mắt chúng ta. Tuy nhiên điều đáng buồn là điều chưa từng xảy ra trước đây này lại do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Và lịch sử đã chứng minh, bất cứ khi nào có một cơ hội đáng kinh ngạc mở ra trên hành tinh, thì các tham vọng chính trị lại trỗi dây".
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã không hề che giấu tham vọng kiểm soát Bắc Cực khi coi đây là một vấn đề lợi ích quốc gia, nhất là trước sự cạnh tranh gay gắt của Nga và Trung Quốc. Đến thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, tham vọng này dường như không thay đổi, nhưng theo một cách đỡ mất lòng đồng minh hơn.
Trong số 8 nước thuộc Hội đồng Bắc cực, ngoại trừ Nga, tất cả những nước còn lại đều được xem là đồng minh của Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là trong chuyến công du Bắc Âu lần này, trọng trách của Ngoại trưởng Blinken là làm thế nào để hàn gắn những vết thương mà chính quyền Tổng thống Trump để lại đối với đồng minh. Cựu Tổng thống Mỹ hồi năm 2019 đã đưa ra ý tưởng mua lại Greenland thuộc Đan Mạch và có một vị trí chiến lược ở Bắc cực. Đề nghị khi đó đã bị xem là một “trò đùa” và chả khác gì làm khó đồng minh. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng trong năm đó đã giáng đòn mạnh cho cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực khi lần đầu tiên từ chối ký tuyên bố chung do không đồng ý với quan điểm cho rằng băng tan là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Về điểm này, thông điệp của Mỹ đã thay đổi hoàn toàn, với việc Tổng thống Joe Biden ngay khi nhậm chức đã đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu trở lại thành một trong những ưu tiên. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng muốn biến khí hậu thành nền tảng hợp tác với các đối thủ, trong đó có Nga, nước sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bắc cực trong 2 năm tới. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, dự kiến tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên bên lề Hội đồng Bắc Cực, Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Nga Lavrov sẽ đánh giá lại tất cả các khía cạnh của quan hệ song phương.
Dù cho thấy một lập trường khá cứng rắn với Nga, song chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ tới nay về cơ bản vẫn cho thấy sự thực dụng và vì thế có khả năng tìm ra điểm chung ngay cả với những đối thủ nếu điều đó mang lại lợi ích cho nước Mỹ như khí hậu hay giải trừ quân bị. Trên cơ sở này, cuộc gặp giữa hai quan chức ngoại giao hàng đầu Nga - Mỹ tại Reykjavik sẽ làm rõ hơn triển vọng về một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Putin ở châu Âu vào tháng 6/2021./.