Ông Kerry cho biết, cuộc họp của Sáng kiến Hạ Mekong tại Vientiane đã khởi động Quan hệ đối tác cơ sở hạ tàng bền vững nhằm giúp các nước trong khu vực tăng cường năng lực kết hợp giữa đánh giá tác động môi trường vào việc lập kế hoạch cơ sở hạ tầng.
"Chúng ta phải bảo đảm rằng các dự án phát triển thực sự giúp hàng triệu người sống dọc theo sông Mekong mà không tiếp tục làm xói mòn hệ sinh thái vốn đã chịu sức ép, và với những người sống phụ thuộc vào đó hàng ngày" - ông nói.
"Và tôi muốn làm rõ rằng vấn đề này quan trọng với Mỹ, và với cá nhân tôi tới mức, tôi dự định quay trở lại khu vực sông Mekong, và cụ thể là Việt Nam, tôi cho là vào mua thu này, để thăm lại một số dự án và đảm bảo rằng chúng ta đang đạt được tiến bộ mong muốn".
Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định rằng từ lâu Mỹ thấy mối quan hệ với ASEAN có "giá trị to lớn".
Ông nhắc lại phát biểu của Tổng thống Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN đầu tiên hồi tháng Hai vừa qua:
"ASEAN đóng vai trò trung tâm với hòa bình và thịnh vượng của khu vực, với mục tiêu chung của chúng ta trong việc xây dựng một trật tự khu vực nơi tất cả các quốc gia chơi cùng luật chơi".
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, trong các cuộc gặp song phương và đa phương ở Vientiane, ông đã thảo luận với các đồng nghiệp về Biển Đông và phán quyết trọng tài gần đây.
"Giờ đây chúng tôi rất được khuyến khích bởi những tuyên bố từ nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế, kể cả nhiều thành viên ASEAN, ủng hộ pháp trị và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp" - ông nói.
"Chúng tôi khuyến khích các bên yêu sách chủ quyền hành xử có trách nhiệm và thể hiện kiềm chế".
Ông Kerry nói, vấn đề Biển Đông sau phán quyết của trọng tài cũng đã được nêu ra "rất trực tiếp" trong cuộc gặp của ông với người đồng cấp Vương Nghị hôm 25.7 tại Vientiane và giờ là lúc "hướng sự tập trung chung để tìm cách lật trang mới trong vấn đề làm sao giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo con đường ngoại giao", gồm cả việc Mỹ ủng hộ Philippines đối thoại và đàm phán với Trung Quốc sau phán quyết.
Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại, các bộ trưởng đồng ý rằng "không bên nào nên hành xử khiêu khích, không bên nào nên có những bước đi làm gia tăng căng thẳng", và nhấn mạnh đến yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó phán quyết trọng tài cũng diễn ra theo luật pháp quốc tế, và cộng đồng thế giới tin rằng phán quyết này ràng buộc về mặt pháp lý.