Trung Quốc và Malaysia đã nhất trí thiết lập một cơ chế đối thoại chung về Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định ngày 12/9 sau khi có cuộc gặp với người đồng cấp Malaysia.
Việc Trung Quốc triển khai Hải quân ở vùng biển chiến lược này - nơi có hơn 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua đây hàng năm đã gây nên căng thẳng với các quốc gia và các bên có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh.
Malaysia chỉ trích lập trường về Biển Đông của Trung Quốc song gần đây, nước này hạn chế bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này, đặc biệt sau khi Trung Quốc "bơm" hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Malaysia thường xuyên theo sát các tàu hải cảnh và tàu tuần duyên của Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của mình song Trung Quốc vẫn "tôn trọng Malaysia và không làm bất kỳ điều gì gây rắc rối cho chúng tôi tính tới nay", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu nhận định với Reuters hồi tháng trước.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết: "Cuối cùng, Trung Quốc và Malaysia đã nhất trí thiết lập một cơ chế trao đổi song phương về các vấn đề hàng hải nhằm tạo nên một nền tảng mới cho đối thoại và hợp tác giữa 2 bên".
Ông Abdullah - người gọi ông Vương Nghị là "anh trai của tôi" đã nói rằng cơ chế này sẽ được dẫn dắt bởi Bộ Ngoại giao của 2 nước.
"Các quan chức của chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết, song tôi nghĩ đây là một kết quả quan trọng của cuộc họp ngày hôm nay và cũng là trong 45 năm quan hệ ngoại giao 2 nước", Ngoại trưởng Malaysia khẳng định.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và 2 quốc gia này cũng có nhiều sự gắn kết về văn hóa. Vào tháng 7/2019, Trung Quốc và Malaysia đã nối lại việc xây dựng 1 dự án tàu hỏa ở phía bắc Malaysia như một phần trong kế hoạch Vành đai và Con đường của Trung Quốc sau 1 năm "treo" dự án và sau 1 thỏa thuận giữa 2 nước nhằm cắt giảm 1/3 chi phí xuống còn khoảng 11 tỷ USD./.