Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 17/10 khẳng định, nước này cần tăng cường năng lực hải quân để chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông, ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á theo đuổi chính sách phi quân sự hóa các tranh chấp trên biển.
Căng thẳng trên Biển Đông liên tục leo thang trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi một tàu khu trục của Hải quân Mỹ tuần tra, áp sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý, đồng thời tuyên bố các yêu sách lãnh thổ quá mức của Trung Quốc trong khu vực là thách thức đối với Hải quân Mỹ.
Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah khẳng định Malaysia có thể gửi công hàm phản đối nếu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, nhưng sự thiếu hụt về phương tiện hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển sẽ khiến nước này gặp nhiều bất lợi trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tàu hộ vệ Malaysia diễn tập ngoài khơi nước này năm 2013. (Ảnh: US Navy)
Ông Saifuddin cho biết các tàu hải quân của Malaysia đang phải rất nhiều khó khăn với Hải cảnh Trung Quốc, lực lượng đang có sự hiện diện liên tục quanh bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak, phía đông Malaysia.
“Các tàu hải quân của chúng ta thậm chí còn nhỏ hơn cả các tàu Hải cảnh của Trung Quốc”, - ông Saifuddin phát biểu trước Quốc hội Malaysia.
“Chúng ta không muốn xung đột xảy ra, nhưng các phương tiện của chúng ta cần được nâng cấp để có thể quản lý tốt hơn vùng biển của mình nếu xung đột nổ ra trên Biển Đông”, - Ngoại trưởng Malaysia nói.
Với cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”, Trung Quốc hiện đang đơn phương, ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá hơn 3,4 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua lại mỗi năm. Thậm chí, Bắc Kinh còn lén lút cho thực hiện các hoạt động cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép trên các thực thể này.
Với mục đích duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “mở cửa và tự do”. Mỹ thường xuyên điều tàu chiến tới Biển Đông để tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại đổ lỗi cho Mỹ vì đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông sau khi gửi tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Về phần mình, Malaysia cũng từng nhiều lần chỉ trích tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên đã giảm bớt sau khi Bắc Kinh bơm hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng thừa nhận rằng nước này không đủ sức đối đầu với Bắc Kinh, ngay cả khi các tàu Trung Quốc thực hiện khảo sát dầu khí trái phép trong vùng biển Malaysia.
Ngoại trưởng Saifuddin khẳng định Malaysia sẽ duy trì quan điểm không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) có cách tiếp cận thống nhất trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. “Biển Đông không nên trở thành điểm xung đột giữa các quốc gia”, - ông kết luận.