Văn phòng thường có không gian rộng rãi, thoáng đãng, lại có người lau dọn vệ sinh thường xuyên để tạo môi trường sạch sẽ cho mọi người hăng say lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mặt kính long lanh hay sàn nhà sạch sáng bóng mà cho là văn phòng hoàn toàn sạch sẽ thì có thể bạn đã quá chủ quan.
Có những thứ bẩn nhất ở văn phòng mà bạn ít khi nghĩ đến, mặc dù bạn tiếp xúc với chúng thường xuyên, liên tục.
Những thứ bẩn nhất ở văn phòng
Văn phòng dù có không gian rộng rãi và được vệ sinh thường xuyên nhưng vẫn có những vị trí, đồ vật vẫn tích tụ nhiều vi khuẩn và bẩn hơn nhiều so với những thứ khác.
Bàn làm việc
Theo Jason Tetro, chuyên gia nghiên cứu vi sinh vật của ĐH Alberta (Canada), tác giả cuốn sách "The Germ Code" (Mã mầm bệnh), dù bàn làm việc là không gian cá nhân nhưng người khác vẫn có thể chạm vào đó và làm lây lan vi khuẩn.
Bàn làm việc cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trong không khí, và chúng có nguy cơ lây nhiễm cho người dùng. Nếu không được lau chùi thường xuyên, bàn làm việc sẽ ngày càng tích tụ nhiều vi khuẩn.
Do đó, bạn nên sử dụng khăn ướt khử trùng để lau chùi, dọn dẹp bàn làm việc 1-2 lần mỗi tuần. Các dụng cụ trên bàn làm việc cũng cần được vệ sinh.
Bàn phím và chuột máy tính
Bàn phím và chuột máy tính chứa lượng vi khuẩn khá lớn bởi chúng ta liên tục chạm vào và sử dụng, tuy nhiên chúng lại ít khi được làm sạch đúng cách. Vi khuẩn từ tay, thức ăn hay vi khuẩn trong không gian phòng làm việc dễ dàng xâm nhập và bám lên các phím, bề mặt chuột. Do đó, khi vệ sinh bàn làm việc, bạn nên làm sạch cả bàn phím và chuột máy tính.
Cốc, đĩa văn phòng
Không hề nói quá khi bảo rằng cốc, đĩa cũng nằm trong danh sách những thứ bẩn nhất ở văn phòng. Là đồ dùng chung nên cốc, đĩa trong văn phòng được mọi người thoải mái sử dụng, nhưng không phải ai cũng rửa lại kỹ càng sau khi dùng. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan dễ dàng và bát đĩa cũng bị bẩn, ố vàng.
Để bảo đảm an toàn và sạch sẽ, sau khi sử dụng, bạn nên làm sạch kỹ cốc, đĩa ở văn phòng bằng nước rửa chuyên dụng, trước khi dùng có thể tráng qua với nước sôi.
Tay nắm cửa
Tay nắm cửa là một trong những điểm tiếp xúc nhiều nhất với hầu hết mọi người nhưng lại thường bị bỏ qua khi làm vệ sinh, khiến vi khuẩn dễ dàng lây lan từ người này qua người khác.
Vì thế, các công sở nên lưu ý vệ sinh cửa cũng như tay nắm ít nhất một lần mỗi ngày bằng dung dịch khử trùng. Trước cửa ra vào của văn phòng nên có gel rửa tay khô để mọi người chủ động vệ sinh mỗi khi ra vào.
Máy pha cà phê, lò vi sóng
Đây là 2 thiết bị không thể thiếu của nhiều văn phòng hiện nay. Với tần suất sử dụng lớn, máy pha cà phê cũng như lò vi sóng thường không được vệ sinh đều đặn và đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, trở thành những thứ bẩn nhất ở văn phòng.
Các loại máy pha cà phê, lò vi sóng ở văn phòng cũng nên được vệ sinh đều đặn hàng tuần bằng các dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
Hệ thống điều hoà không khí
Điều hòa cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tích tụ và phát triển, nhất là khi không được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ. Vi khuẩn và nấm mốc có thể phát triển trong các bộ lọc và ống thông gió.
Ít nhất mỗi năm một lần, bộ phận kỹ thuật của văn phòng cần vệ sinh toàn bộ hệ thống điều hòa và ống thông gió, việc kiểm tra thì nên được tiến hành thường xuyên.
Nhà vệ sinh
Mặc dù được làm sạch thường xuyên nhưng một số điểm trong nhà vệ sinh như vòi nước, nút xả bồn cầu vẫn là nơi khá bẩn, tích tụ nhiều vi khuẩn hơn so với những chỗ khác trong khu vực này.
Vì vậy, ngoài việc cọ rửa nhà hàng ngày, các công sở cũng nên có một buổi tổng vệ sinh theo tuần bằng các hoá chất tẩy rửa và khử trùng mạnh, làm sạch kỹ vòi nước và các nút xả bồn cầu.