4 lãnh đạo bị bắt tạm giam
Liên quan đến vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm Phó Tổng giám đốc và nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty viễn thông Mobifone.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc và ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone.
Cả ông Hải và bà Phương Anh đều bị bắt để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các quyết định khởi tố và lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn
Trước đó, ngày 10/7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Cơ quan điều tra cũng đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Mobifone (khi bị khởi tố đang công tác tại Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông) và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ TT&TT).
Ông Trà và ông Trọng bị bắt để điều tra về cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Nhiều cán bộ liên quan bị kỷ luật
Trước đó, liên quan đến Dự án này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, những vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng, vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại Hội nghị Trung ương hồi đầu tháng 10, ông Nguyễn Bắc Son bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Son bị kỷ luật do các vi phạm trong dự án Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011 -2016 với ông Nguyễn Bắc Son. Tiếp đó, Thủ tướng cũng ký quyết định thi hành kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng của ông này.
Đối với ông Trương Minh Tuấn, ngày 12/7/2018, Bộ Chính trị đã họp xem xét, thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tiếp đó, Chủ tịch nước đã kí quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Sau đó, ông Trương Minh Tuấn được phân công làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương
Chiều 23/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Tuấn.
Đối với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 27 đã quyết định kỷ luật khiển trách vì có vi phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Hồng Hải.
Thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG được thực hiện từ cuối năm 2015 với giá gần 8.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc mua bán cổ phần này đã gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỉ đồng do mua nợ phải trả của AVG.
Theo Thanh tra Chính phủ, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối tháng 3.2015 là rất xấu, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208,5 tỉ đồng.
Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ với khoản lỗ luỹ kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn chiếm 73,3% vốn điều lệ.
Thanh tra Chính phủ xác định, đã có hàng loạt hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, làm trái quy định trong việc việc lập, trình dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư của MobiFone, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng một số bộ, ngành có liên quan.