Cuối tuần qua, con số 3 tỷ USD mà người Việt dùng để mua nhà ở Mỹ (con số thực tế có thể nhiều hơn nhiều lần con số sổ sách) được công bố đã khiến nhiều người phải giật mình. So sánh với số liệu báo cáo về tổng vốn doanh nghiệp Việt đầu tư vào Mỹ thì con số này gấp tới 20 lần.
Điều này cũng gây ra chính sự bất ngờ với những người Việt đã di cư sang Mỹ và trở thành công dân xứ Cờ hoa từ lâu.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, Giáo sư Hà Tôn Vinh – một Việt kiều Mỹ thành công đã trở về để góp phần xây dựng Việt Nam –chia sẻ: “Rõ ràng, đã có sự thất thoát nguồn tài chính trong nước, làm hại cho sự phát triển của quốc gia. 3 tỷ USD đáng lẽ cần được giữ lại đầu tư phát triển".
Nhìn rộng ra, chúng ta có thể nói về câu chuyện người Việt di cư sang nước ngoài. Và như thế, điểm đến của tiền bạc, chất xám mang quốc tịch Việt Nam sẽ không còn chỉ là Mỹ nữa.
Bản đồ di cư của người Việt Nam. Nguồn: IOM.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA) thì từ năm 1990 đến năm 2015, đã có 2.558.678 (hơn 2,5 triệu) người Việt Nam di cư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Như vậy, tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài. Cũng theo IMO, tính đến năm 2015, có 2,67% công dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Đích đến mà người Việt di cư lựa chọn phần lớn là các nước phát triển trên thế giới. Cụ thể, người Việt Nam rất ưa chuộng di cư đến các nước như Mỹ (hơn 1,3 triệu người Việt di cư tại đây), Úc (227,3 nghìn người Việt), Pháp (125,7 nghìn người Việt), Đức (gần 113 nghìn người Việt), Canada (182,8 nghìn người Việt) hay Hàn Quốc (114 nghìn người),...
Các nước có trình độ phát triển không cao, hoặc ngang bằng Việt Nam, cũng là địa điểm mà người di cư Việt Nam lựa chọn.
Tất nhiên, số lượng những người Việt sẽ ít hơn nhiều, với chỉ khoảng từ 10.000 đến dưới 100.000 người Việt di cư được ghi nhận tại các nước Đông Âu và một số nước Đông Nam Á lân cận như Lào (12.000), Campuchia (36.000) hay Trung Quốc (28.000). Tuy nhiên, đặc biệt có Malaysia đã thu hút được đáng kể ngưởi Việt di cư với con số 87.000 người sống ở đây.
Nhìn trên cả thế giới, có thể thấy người di cư Việt Nam đã đặt chân đến khắp 4 châu lục của thế giới (trừ châu Phi, nơi chỉ có một nhóm nhỏ người Việt sống tại Nam Phi).
Nếu đi khắp châu Âu, bạn đều có thể gặp người Việt ở bất cứ đâu bởi hầu hết các nước ở châu lục này đều có người Việt di cư sinh sống. Thậm chí, người Việt còn đặt chân lên và sống tại những xứ xa xôi như Nam Mỹ, tại các nước như Brazil, Argentina, Bolivia, Chile…dù số lượng còn rất hạn chế.
Với tất cả những số liệu trên, Việt Nam đã được nhắc đến trong ấn bản "Migration and remittances factbook 2016" về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới của Ngân hàng Thế giới Việt Nam. Vị trí mà chúng ta được nhắc đến là nằm trong top 10 các quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, với số liệu tính đến năm 2013.
Các số liệu từ các cơ quan quản lý cũng cho thuế các nhu cầu liên quan đến quốc tịch của cả người Việt trong và ngoài nước luôn tương đối lớn.
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp cho biết đã trình Chủ tịch nước giải quyết tổng cộng 4.974 hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Tính chung trong 5 năm qua, Bộ đã tham mưu, trình Chủ tịch nước cho phép hơn 40.000 trường hợp xin nhập, trở lại và thôi quốc tịch Việt Nam.
Cũng theo một báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung - cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội… đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt là từ những năm 2000, Nhà nước đã áp dụng chính sách mở cửa trong quan hệ đối ngoại.
Từ đó, kết hợp với việc cả thế giới toàn cầu hóa, số người Việt Nam ra nước ngoài định cư ngày càng đông. Họ ra nước ngoài để đoàn tụ gia đình hoặc làm ăn, kinh doanh, hay đi du học rồi ở lại. Cũng có nhiều trường hợp kết hôn với công dân nước ngoài rồi theo chồng ra nước ngoài định cư.