Ngoài hưởng lạc, Càn Long còn rất chăm chỉ kiếm tiền, nghe cách Hoàng đế tăng thu nhập cho triều đình mà ngỡ ngàng

TRUNG HẠ |

Mặc dù tiêu tiền khủng khiếp, nhưng Khang Càn thịnh thế không phải là hư danh, Càn Long vẫn có cách để duy trì sự thịnh vượng đến hết thời gian trị vì của mình.

Hậu thế truyền tai nhau rằng lịch sử Trung Quốc có 2 vị Hoàng đế rất biết xài tiền và tiêu tiền nhiều đến mức khiến quốc khố rỗng tuếch.

Một là Hán Vũ đế Lưu Triệt. Trong thời gian trị vì, ông đã tiêu gần như toàn bộ số tiền mà ông nội Hán Văn đế và cha Hán Cảnh đế tích lũy được. Tuy nhiên, Lưu Triệt được đánh giá là vị Hoàng đế tài ba, ông chủ yếu tiêu tiền vào quân sự để củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài.

Người còn lại cũng tiêu tốn tiền bạc do hai Hoàng đế trước tích cóp, người này chính là Càn Long đế của nhà Thanh.

Bắt đầu từ thời Khang Hi, nhà Thanh bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh. Khang Hi và Ung Chính tích lũy được rất nhiều tiền bạc cho triều đình. Dân chúng lúc bấy giờ cũng xem như giàu có và sung túc, mở đầu giai đoạn Khang Càn thịnh thế nổi tiếng.

Đến thời Càn Long, sự thịnh thế đã lên đến đỉnh và trên đà tụt dốc.

Ngoài hưởng lạc, Càn Long còn rất chăm chỉ kiếm tiền, nghe cách Hoàng đế tăng thu nhập cho triều đình mà ngỡ ngàng  - Ảnh 1.

Càn Long chủ yếu dùng tiền vào quân sự, cứu trợ thiên tai, ban thưởng cho các quan đại thần... Đặc biệt là chi cho những khoản tận hưởng cuộc sống và vui chơi giải trí.

Càn Long đã thực hiện 6 lần tuần du xuôi dòng Dương Tử đến thăm thú vùng Giang Nam trù phú. Càn Long tuần du phương Nam 6 lần, bằng với số lần tuần du của Khang Hi. Tuy nhiên, chi phí mỗi chuyến đi của Càn Long nhiều gấp 10 lần so với Khang Hi.

Khang Hi tuần du để quan sát dân tình và chăm lo việc nước. Ngược lại, Càn Long chủ yếu đi thăm thú, ăn chơi hưởng lạc. Ông thường bắt đầu những chuyến tuần du vào mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm.

Một trong những chuyến tuần du tốn kém nhất phải kể đến vào năm Càn Long thứ 12 (năm 1748), Càn Long học theo Khang Hi, cùng với mẹ là Sùng Khánh Hoàng thái hậu, xuống Giang Nam thăm thú.

Ngoài hưởng lạc, Càn Long còn rất chăm chỉ kiếm tiền, nghe cách Hoàng đế tăng thu nhập cho triều đình mà ngỡ ngàng  - Ảnh 2.

Theo Thanh sử, trong chuyến tuần du này, chỉ riêng thuyền lớn đã huy động hơn 1.000 chiếc. Càn Long thích nghe kinh kịch, nên suốt lộ trình, các nơi Càn Long đi qua, quan lại đều cho xây dựng sân khấu để hát xướng. Những gánh hát nổi tiếng của Trung Quốc bấy giờ đều đổ xô đến hai tỉnh Giang Nam, Chiết Giang biểu diễn.

Thuyền lớn mà Càn Long sử dụng phải dùng đến sức kéo của cả ngàn dân phu mới di chuyển được trên sông. Riêng ngựa được huy động đến 6.000 con, lạc đà 600 con, người hầu, cung nữ, phi tần cho đi theo đến vài ngàn người.

Đặc biệt, ở những nơi Càn Long đi qua, giá của hàng hóa lại bị đội lên gấp hai, ba lần, khiến cho Nội vụ phủ (bộ phận quản lý tài chính của triều đình) phải oằn mình trang trải. Ước tính, chi phí cho mỗi cuộc tuần du của Càn Long lên đến 200 triệu lạng bạc.

Vì tiêu xài quá độ, Nội vụ phủ nhiều năm liền bị thâm hụt ngân quỹ, còn các đại thần mỗi khi nghe hai chữ “tuần du” đều khiếp vía. Tình trạng hao hụt chỉ chấm dứt, khi Hòa Thân tiếp quản chức tổng quản Nội vụ phủ.

Song mặc dù tiêu tiền khủng khiếp, nhưng Khang Càn thịnh thế không phải là hư danh, Càn Long vẫn có cách để duy trì sự thịnh vượng đến hết thời gian trị vì của mình. Một trong những cách đó là kiếm tiền.

Ngoài hưởng lạc, Càn Long còn rất chăm chỉ kiếm tiền, nghe cách Hoàng đế tăng thu nhập cho triều đình mà ngỡ ngàng  - Ảnh 3.

“Mật ký đương” là hồ sơ của Sở quân cơ nhà Thanh, ghi lại những cách tích lũy tiền bạc của Càn Long.

Cách 1: Tịch thu tài sản của quan lại phạm tội, đặc biệt là những tham quan chuyên giấu giếm tài sản qua mắt triều đình. Đến lúc cần dùng tiền, Càn Long sẽ phanh phui mọi tội lỗi của những kẻ đỏ hòng lấy đi tài sản vốn không thuộc về họ.

Cũng có một số quan viên không tham nhũng, nhưng chỉ cần họ phạm tội, Càn Long sẽ ngưng trả lương, đồng nghĩa với việc bị cách chức.

Cách 2: Buộc các thương nhân, quý tộc giàu có ở nhiều nơi quyên góp tiền. Loại chuyện này xảy ra rất nhiều vào thời Càn Long. Nếu có chiến tranh hay thiên tai, những thương nhân giàu có đó thường “không bỏ công cũng phải bỏ tiền”.

Nhưng muốn họ chi tiền ra cũng cần một số thủ đoạn. Càn Long chỉ cần nêu ra vài “gợi ý”, kẻ khác lập tức phục tùng, như hỏi: “Số tiền này, mảnh đất này từ đâu mà ra?”...

Phần lớn không ai muốn đắc tội với Thiên tử và triều đình nên cũng đành “bấm bụng” chi tiền, mang danh cứu giúp thiên hạ, làm việc lớn.

Cách 3: “Nghị tội ngân” - Quỹ đóng tiền phạm lỗi.

Nếu một quan viên trong triều mắc lỗi, hoặc Hoàng đế cho rằng họ có lỗi, người này có thể tránh được việc bị Thiên tử trách phạt bằng cách "tự chuộc lỗi" - nộp tiền vào quỹ chung.

“Nghị tội ngân” được vận hành bằng cách tự nguyện, nhưng không thể trả giá, luận theo mức độ nghiêm trọng của lỗi mắc phải mà định. Quan viên cũng có quyền không nộp quỹ, nhưng có thể phải đối mặt với các hình phạt như cách chức và đày ải, nên hầu như ai cũng sẵn lòng nộp tiền cho yên chuyện.

Nguồn: Sohu


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại