Theo đó, NĐ 100 đã bổ sung xử phạt một số hành vi như: dừng xe, đậu xe trên dải phân cách cố định ở giữa 2 phần đường xe chạy, bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi, nơi mở dải phân cách giữa. Điều chỉnh tăng mức gấp đôi xử phạt đối với nhiều hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông, như đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường; chuyển hướng không đúng quy định; vi phạm quy định về tốc độ; tránh xe, vượt xe không đúng quy định; không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau...
Cụ thể, phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, 600.000 - 1 triệu đồng đối với người lái mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng), cao gấp đôi so với mức phạt trước đây. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo các thời hạn khác nhau.
NĐ 100 còn bổ sung quy định xử lý vi phạm trên đường cao tốc, bổ sung quy định chủ phương tiện phải có trách nhiệm cùng lực lượng chức năng xác minh hành vi vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ (phạt nguội). Nếu không hợp tác, không chứng minh được mình không phải là người vi phạm, sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã có khuyến cáo khẳng định uống rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn. Khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần, tuy nhiên trong thực tế, hậu quả của uống rượu bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Tiếp tục dẫn công bố của WHO, Cục Y tế dự phòng cho biết, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất nhỏ rượu bia. Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu = 0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thôi thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh… trong khi điều khiển phương tiện giao thông.