Theo Sci-News, nhóm tác giả đến từ NASA và Đại học Washington (Mỹ) vừa xác định Proxima b thuộc nhóm "hành tinh đại dương lạnh".
Cùng với 16 hành tinh khác, Proxima b được mô tả là có khối lượng thấp với nhiệt độ bề mặt và mật độ phù hợp với kết cấu gồm vỏ băng và một đại dương sâu bên dưới.
Hành tinh Proxima b - Ảnh: ESO
Chúng có thể khá giống nhiều "mặt trăng sự sống" trong hệ Mặt Trời, như Enceladus của Sao Thổ hay Europa của Sao Mộc.
Proxima b được nhất mạnh bởi với khoảng cách chỉ 4,2 năm ánh sáng, nó là ngoại hành tinh gần Trái Đất nhất.
Ngoài cái tên thông dụng nhất Proxima b, nó còn có tên là Proxima Centauri b hoặc Cận Tinh b, quay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri thuộc chòm sao Bán Nhân Mã.
Proxima b là tâm điểm của nhiều nghiên cứu, bởi các dữ liệu NASA thu thập được cho thấy nó có nhiều yếu tố giống Trái Đất.
Với kết cấu vừa được xác nhận, các nhà khoa học Mỹ tin rằng chúng có thể chứa sự sống bên trong đại dương ngầm.
Bởi lẽ, họ cũng ước tính được tổng lượng nhiệt bên trong 17 ngoại hành tinh được nghiên cứu - bao gồm Proxima b - dựa trên hình dạng quỹ đạo và nhiều thông số khác, sau đó mô phỏng với số liệu Europa để suy ra các tính chất của đại dương ngầm.
Đó có thể không phải là các sinh vật biển đa dạng như Trái Đất, nhưng ít nhất cũng có vi sinh vật.
Họ cũng dự đoán rằng các cột hơi nước lớn giống kiểu Europa hay phun vào các tàu vũ trụ NASA cũng tồn tại ở Proxima b và một hành tinh khác trên LHS 1140b, thậm chí mạnh mẽ hơn nhiều.
"Vì các nguyên tố và hợp chất hấp thụ ánh sáng ở các màu đặc trưng nên việc phân tích ánh sáng sẽ cho phép xác định các thành phần của mạch nước phun và đánh giá khả năng sinh sống của hành tinh" - TS Lynnae Quick từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA cho biết.