Người đứng đầu Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) Igor Korobov đã đột ngột qua đời ở tuổi 62 vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện sự thất vọng đối với những sai lầm mà cơ quan tình báo này mắc phải.
Sự nghiệp lẫy lừng của Korobov
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga vào rạng sáng ngày 22/11, Thượng tướng Igor Korobov (1956-2018), Giám đốc GRU, đã qua đời ngày 21/11 sau một thời gian dài mắc trọng bệnh.
Tốt nghiệp Trường Hàng không quân sự Cao cấp Stavropol, ông Korobov bắt đầu sự nghiệp quân sự vào cuối những năm 1970, phục vụ trong Không quân Liên Xô (cũ), trước khi được chọn vào ngành Tình báo, làm việc trong GRU.
Từng là Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, ông Korobov có sự nghiệp lẫy lừng trong quân đội.
Trong đó, Tướng Korobov từng đứng đầu Ban Giám đốc Tình báo chiến lược (Strategic Intelligence Directorate - SID), một công việc đòi hỏi xây dựng và nắm chắc những nguồn tin cao sâu, thu thập đầy đủ, cặn kẽ thông tin về các mối đe dọa quân sự đối với Nga cũng như giao nhiệm vụ cho hệ thống điệp viên chiến lược và công tác chống phản gián đối với an ninh quốc gia Nga trên toàn cầu.
Sau đó, ông Korobov được Tổng thống Putin bổ nhiệm làm Giám đốc GRU sau cái chết đột ngột của người tiền nhiệm Igor Sergun vào tháng 1/2016. Trong vai trò lãnh đạo GRU, ông Korobov đã chỉ đạo các hoạt động của cơ quan này chống lại lực lượng khủng bố ở Syria và nhận được giải thưởng cao nhất của Nhà nước, danh hiệu Anh hùng của Liên bang Nga năm 2017.
Tuy nhiên, trong thời gian ông Korobov lên điều hành, GRU cũng chịu không ít tai tiếng, đặc biệt trong nghi án Moscow can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và vụ bị phương Tây cáo buộc tiến hành đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal.
Là người đứng đầu GRU, ông Korobov cũng nằm trong danh sách các quan chức Nga đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vào tháng 12/2016 với cáo buộc mà Hoa Kỳ gọi là “nỗ lực phá hoại nền dân chủ Mỹ” thông qua các chiến dịch can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, sự kiện đã đưa ông Donald Trump lên nắm quyền.
Nhiều bình luận, đồn đoán vô căn cứ
Chính sự nghiệp lẫy lừng của người được nhận danh hiệu “ngôi sao tình báo” Nga đã khiến sự qua đời đột ngột của ông được truyền thông quốc tế quan tâm và đặt nhiều giả thuyết.
Đặc biệt, khi Korobov là một vị tướng chịu trách nhiệm về cơ quan mà thời gian gần đây đang trở thành mũi nhọn các cuộc tấn công chính trị chống Moscow.
Trang tin Dailymail và Express của Anh cho rằng, cái chết của Giám đốc GRU Igor Korobov có thể liên quan tới sự phật ý của Tổng thống Vladimir Putin lẫn vụ đầu độc thất bại đối với cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal.
Theo báo chí phương Tây, ông Korobov được cho là đã bị “ốm yếu bất ngờ” hồi tháng trước sau khi bị nhà lãnh đạo Nga Putin, một cựu điệp viên KGB, trách mắng vì sự bất lực của GRU trong vụ việc có liên quan đến sự kiện từng gây ầm ĩ ở TP Salisbury của Anh và một số hoạt động quốc tế khác.
Những giả thuyết này đến từ việc hai người đàn ông là Alexander Petrov và Ruslan Boshirov bị phía Anh cáo buộc là những gián điệp thuộc GRU trong vụ đầu độc cha con cựu điệp viên 2 mang người Nga Skripal ở TP Salisbury vừa xuất hiện trong một chương trình phỏng vấn của hãng tin RT và tuyên bố rằng, họ đến thăm thành phố của Anh vì những nhà thờ ấn tượng và quyết định rời thành phố sớm vì tuyết rơi dày.
Những câu trả lời khá vụng về này đã gây ra những nghi ngờ và bị coi như một nỗ lực thất bại của tình báo Nga.
Không dừng lại đó, vụ tấn công không gian mạng vào Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại Hà Lan cũng bị phương Tây quy chụp cho Moscow. 4 điệp viên bất hợp pháp của Nga đã bị bắt hồi tháng 4 khi đang cố gắng đột nhập vào hệ thống máy tính của OPCW để lấy thông tin về cuộc điều tra vụ đầu độc cha con ông Sergei Skripal.
Chính tình báo Anh đã giúp ngăn chặn việc các điệp viên Nga sử dụng ăng-ten giấu dưới một chiếc áo khoác từ một bãi đậu xe gần trụ sở chính của OPCW ở Hà Lan.
Vì thế, trong cuộc họp giữa Tổng thống Putin và các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga tại Moscow hồi tháng trước, ông chủ Điện Kremlin đã quy trách nhiệm cho Korobov về những sai lầm khủng khiếp vì sự bất lực và bất cẩn của các điệp viên GRU.
Tuy nhiên, những nhận định của báo chí phương Tây nhanh chóng bị dư luận Nga chỉ ra là sự suy đoán chủ quan, dựa trên những căn cứ mơ hồ, phần lớn là bị ám ảnh bởi các kịch bản kiểu thuyết âm mưu.