Ngoại giao hậu trường Mỹ - Trung trở nên vô dụng

Bình Giang |

Đại dịch COVID-19 đã phá hết các kênh đối thoại không chính thức, từng đóng vai trò củng cố hay nhiều khi cứu vãn quan hệ Mỹ - Trung.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang triển khai chiến dịch được gắn với cái tên “Chiến binh sói”. Họ sử dụng các mạng xã hội như Twitter để đáp trả và tấn công lại những chỉ trích Trung Quốc. Tổng thống Mỹ nhiều lần thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc có lỗi khiến COVID-19 hoành hành khắp thế giới.

Những cuộc gặp và tiếp xúc ở hậu trường giữa các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, cựu quan chức và học giả, phải dừng lại vì sự thù địch gia tăng và hạn chế đi lại, báo SCMP dẫn thông tin từ những người thường tham gia những hoạt động như vậy cho biết.

“Đại dịch đã cắt đứt những cuộc gặp cá nhân. Điều đó rất tồi tệ”, ông Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá, nói. Trung tâm này là một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, thu hút sự tham gia của các cựu quan chức và học giả có tiếng ở Trung Quốc.

“Nhiều thông điệp chỉ giờ có thể được chuyển tải gián tiếp qua báo chí và người phát ngôn, từ đó có thể giảm hiệu quả trao đổi và dễ dàng gây hiểm lầm”, ông Wang nói. Ông cũng là thành viên ban chuyên gia cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc.

Tình trạng này không chỉ bất lợi cho ngoại giao mà còn đe doạ cả thoả thuận thương mại trị giá 200 tỷ USD mà ông Trump muốn dựa vào đó để tăng thu nhập cho các nông dân, công ty năng lượng và các nhà xuất khẩu Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump doạ sẽ “cắt đứt toàn bộ quan hệ” với Trung Quốc, bao gồm cả thoả thuận thương mại, trước cái mà ông gọi là sự che đậy của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.

Khi đã không còn lợi thế dựa trên nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, ông Trump đang tận dụng những thông điệp cứng rắn với Trung Quốc để thuyết phục cử tri trước khi bước vào cuộc đua tái tranh cử vào tháng 11 năm nay.

Trong những ngày này, chính quyền Trump quyết định thực hiện hàng loạt hành động chống Trung Quốc, như ép quỹ hưu trí liên bang dừng đầu tư vào các công ty Trung Quốc và tiếp tục siết quy định về xuất khẩu đối với hãng viễn thông Huawei.

Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị thông qua hàng loạt luật nhằm vào Trung Quốc. Ngày 14/5, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc bỏ tù người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc. FBI và Cơ quan an ninh mạng Mỹ gần đây cảnh báo các tin tặc Trung Quốc đang tấn công để đánh cắp thông tin về vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19 của Mỹ. Các biện pháp hạn chế đi lại càng khiến hai bên khó gặp gỡ để có thể trao đổi nhằm giảm bớt căng thẳng.

“Chính phủ Trung Quốc không bao giờ thích bàn chuyện qua điện thoại, hội nghị trực tuyến hay họp qua phần mềm như Zoom. Đó không phải cách vận hành của họ”, ông James Green, cố vấn cấp cao tại McLarty Associates, nói. Ông là quan chức phụ trách thương mại của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh trong năm đầu tiên ông Trump trở thành tổng thống.

Ông Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ và là người đã giúp Tổng thống Richard Nixon kết nối với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, vẫn được Trung Quốc coi là hình mẫu của trao đổi phi chính thức.

Khi đến thăm Bắc Kinh và gặp ông Tập vào tháng 11 năm ngoái, ông Kissinger khuyên hai bên tích cực trao đổi và giải quyết khác biệt. Trước khi đại dịch gây gián đoạn, các cựu quan chức Trung Quốc từng làm việc với Mỹ trong nhiều thập kỷ vẫn giữ quan hệ gần gũi với các cựu quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Một ví dụ là trong các cuộc đối thoại thương mại Mỹ - Trung năm 2018 và 2019, ông Stephen Schwarzma, chủ tịch hãng đầu tư Blackstone Group; Hank Paulson, cựu bộ trưởng tài chính và CEO của Goldman Sachs; và Johnson Thornton, cựu chủ tịch Goldman, lập ra cơ chế đối thoại 3 bên gồm Wall Street, Washington và Bắc Kinh.

Giờ đây, khi những gián đoạn kinh tế quy mô lớn xảy ra ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, tâm điểm hiện nay là những vấn đề ngắn hạn.

Dù lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang cố gắng can thiệp, nhưng tư vấn của họ đang bị lãnh đạo hai bên để ngoài ta.

“Hiện vẫn có một kênh tiếp xúc từ Wall Street đến Bắc Kinh. Nhưng câu hỏi đặt ra là nó có còn hiệu quả không? Tôi nghĩ câu trả lời rõ ràng là không”, Jude Blanchette, một học giả Trung Quốc công tác tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, nói.

“Khi quan hệ Mỹ - Trung đang tập trung vào cạnh tranh chiến lược và an ninh quốc gia, “sẽ rất khó để duy trì thảo luận như vậy vì cả hai đều nhìn nhau như nghi phạm”, ông Blanchette nói.

Ông Shi Yinhong, một chuyên gia về Mỹ tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh và là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói rằng các kênh trao đổi hậu trường giữa hai nước giờ có ít tác động vì cả hai bên đều thiếu quyết tâm chính trị.

“Nó vô dụng, dù có cả chục ngàn người đi lại giữa hai nước và không thiếu người có thể trở thành người đưa tin”, ông Shi nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại