Ngoại giao hạt nhân, Mỹ không phải là đối thủ của Nga

Minh Thu |

Nga đang thống trị ngành xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới khi chiếm tới 60% thị phần toàn cầu sau khi Moscow ký kết thỏa thuận xây dựng và hợp tác công nghệ với nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Hungary.

Theo Japan Times, chính sự tụt hạng nhanh chóng của hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Nga là tập đoàn điện lực Westinghouse của Mỹ và Areva SA của Pháp đã giúp Moscow vươn lên vị trí số 1 trong ngành xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Bên cạnh việc xuất khẩu các thiết bị trong nhà máy điện hạt nhân, Nga hiện còn giành được cả ưu thế chính trị ở Trung Đông, châu Á và châu Âu.

Sức mạnh của Nga được thể hiện rõ nét nhất trong các cuộc đàm phán với Ấn Độ, quốc gia có tham vọng nâng tổng số lò phản ứng hạt nhân lên gấp ba lần so với con số hiện tại 22 lò phản ứng vào năm 2024.

Trước đó, Ấn Độ đã ký kết bản hợp đồng với Westinghouse để xây 6 lò phản ứng nhưng sau khi công ty của Mỹ phá sản, New Delhi đã tìm kiếm đối tác mới thay thế. Và đây chính là cơ hội vàng với Nga.

Hồi tháng Năm, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã tới New Delhi để thảo luận với Thủ tướng Narendra Modi. Mặc dù, nội dung cuộc họp này không được công bố nhưng điều đáng nói là nó diễn ra chỉ sau 3 tuần ông Modi tới thăm Moscow.

Sau cuộc đàm phán, hai bên cho biết đã thống nhất xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới ở Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam thuộc bang Tamil Nadu. Nga còn hứa sẽ ủng hộ lớn cho những nỗ lực phát triển nhà máy hạt nhân của Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là chỗ trống do tình trạng phá sản mà Westinghouse tạo ra đã được mối quan hệ hợp tác Nga - Ấn Độ lấp đầy.

Đây còn được xem là "cái tát" với Mỹ. Bởi trong suốt một thời gian dài dưới thời lãnh đạo của cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, Mỹ đã tìm cách bán lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ.

Theo thống kê, Nga hiện ký kết hợp đồng xây dựng 34 lò phản ứng hạt nhân tại 13 quốc gia với tổng giá trị là 300 tỷ USD. Khi nhu cầu cung cấp nhiên liệu hạt nhân và hợp tác công nghệ gia tăng, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Rosatom của Nga đã ký kết hợp đồng với khoảng 20 quốc gia.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu tại Tokyo cho hay, tập đoàn Areva của Pháp đã không ký được bất cứ bản hợp đồng xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài kể từ năm 2007.

Thậm chí, tại Trung Đông, hai đồng minh mà Mỹ ủng hộ là Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nằm trong danh sách các khách hàng của Nga cùng với Iran, quốc gia nhận được sự hợp tác lâu nay của Moscow trong tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân.

Vào năm 2015, Ai Cập đã ký kết một văn bản ghi nhớ với Nga. Theo đó, Nga sẽ mở rộng hợp tác trong hoạt động xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập ở El Dabaa. Thậm chí, hai nước còn bàn thảo về khoản quỹ cho dự án trên.

Bên cạnh đó, Nga cũng đang trên đà giành được các bản hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân tại nhiều nước ở Trung Đông ngoại trừ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), quốc gia đang hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Thậm chí, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) đang căng thẳng sau khi Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tới thăm Hungary hồi tháng Hai và ký kết thỏa thuận xây dựng hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Paks.

Đây cũng là nhà máy điện hạt nhân duy nhất tại Hungary. Đáng nói, ông Putin còn đề xuất cung cấp toàn bộ khoản tài chính phục vụ dự án ở Hungary.

Trong khi đó, một trong những mục đích của các lệnh trừng phạt kinh tế mà EU áp đặt với Nga là giảm bớt mối quan hệ liên minh giữa Moscow với các nước châu Âu trong hoạt động cung cấp năng lượng.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đã không thể ngăn Thủ tướng Hungary Viktor Orban hợp tác với Nga trong dự án hạt nhân. Ngoài việc Hungary có tư tưởng ngày càng thân Nga, EU còn đang phải đối mặt với việc Cộng hòa Séc theo đuổi hợp tác với Nga trong lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân.

Do thế giới vẫn chưa thể quên thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, nhiều người tỏ ra lo ngại về độ an toàn của các lò phản ứng do Nga xây dựng. Song giới chức tập đoàn Rosatom nhấn mạnh, hơn ai hết Nga là quốc gia hiểu rõ về mức độ an toàn hạt nhân sau khi trải qua thảm họa Chernobyl.

Ngoài ra, Nga cũng không còn sản xuất lò phản ứng sử dụng than chì đã gây ra thảm họa Chernobyl mà tất cả các lò phản ứng được Moscow xuất khẩu hiện tại là lò phản ứng nước nhẹ áp lực.

Một yếu tố chủ chốt giúp Nga giữ vị trí số 1 trong ngành xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân chính là việc giá thành của các lò phản ứng do Nga cung cấp thấp hơn từ 20 – 50% so với các đối thủ châu Âu. Thậm chí, Moscow còn cam kết "ủng hộ toàn bộ" cho các dự án mà tập đoàn Rosatom đảm nhận.

Ngoại giao hạt nhân, Mỹ không phải là đối thủ của Nga - Ảnh 1.

Quang cảnh bên trong nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary.


Những dự án xây dựng nhà máy hạt nhân gần đây của Nga với các quốc gia đang phát triển còn giúp Moscow duy trì tầm ảnh hưởng chính trị lâu dài, điển hình là thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ. Nói cách khác, những quốc gia ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân với Nga đã giúp Moscow tạo dựng quan hệ ngoại giao và giao dịch thương mại.

Theo chuyên gia Hanna Thoburn tại Viện Hudson của Mỹ, Nga sẽ nhận được đặc quyền tiến hành các thỏa thuận mua bán vũ khí với chính các nước bắt tay hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Còn theo giới chuyên gia châu Âu và Mỹ, Trung Quốc dường như sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Nga. Tuy nhiên, dù Nga và Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát thị trường nhà máy điện hạt nhân toàn cầu thì hai quốc gia này vẫn phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng.

Cụ thể, theo Bellona Foundation, một nhóm nghiên cứu môi trường ở Na Uy, các quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân lần đầu tiên thường không có một lộ trình cụ thể xử lý các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Trong khi đó, Nga được cho là thiếu khả năng kiểm soát chất thải hạt nhân so với Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, những quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm phóng xạ và bị các nhóm khủng bố và tội phạm ăn cắp nguyên liệu hạt nhân.

Quan trọng hơn, Mỹ sẽ đưa ra các các bản thỏa thuận địa chính trị và ngoại giao nếu như những nước Trung Đông được Washington hậu thuẫn cùng với Ấn Độ, Myanmar, châu Phi và nhiều quốc gia khác có ý định nghiêng hẳn về "ngoại giao hạt nhân" của Nga.

Song theo một nguồn tin ngoại giao trong Quốc hội Mỹ, chính nhu cầu sử dụng điện hạt nhân ở Mỹ sụt giảm sẽ khiến các công ty nước này khó lòng cạnh tranh với Nga. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng không có thời gian và nguồn lực để thiết lập chính sách năng lượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại