Ngô Quyền hỏi Đinh Bộ Lĩnh "Cháu xin gươm làm gì" và truyền kỳ về thanh kiếm gỗ chém giả chết thật

Lê Thái Dũng |

Đối với 1 vị tướng tài dành cả đời trên lưng ngựa thì vũ khí là rất quan trọng, chẳng thế mà ông có riêng cho mình 2 thanh gươm vô cùng đặc biệt.

Được vua Ngô ban thanh gươm báu

Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924), là con trai của Đinh Công Trứ - giữ chức Thứ sử châu Hoan (vùng Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), thân mẫu là Đàm Thị (không rõ tên), theo dân gian bà còn được gọi là Thiềm Nương.

Trong số những người theo dưới cờ nghĩa của Dương Đình Nghệ có Đinh Công Trứ, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Đinh Công Trứ không chỉ là một vị tướng của họ Dương mà sau này ông có công trong việc đánh đuổi giặc Nam Hán, làm quan triều Ngô, được vua Ngô Quyền cử giữ chức Thứ sử châu Hoan.

Năm Canh Tuất (940) quan Thứ sử Đinh Công Trứ lâm bệnh mất ở trị sở, việc tang lễ vừa xong thì có nạn hỏa tai, tư dinh bị cháy hết, chỉ còn đống tro tàn.

Số phận trái ngược của hai thanh gươm báu của vua Đinh Tiên Hoàng - Ảnh 1.

Vạn Thắng vương và thuở dùng bông lau làm cờ. (Hình minh họa – Nguồn: nxbtre)

Trước tình cảnh ấy, Đàm phu nhân cùng con là Đinh Bộ Lĩnh ra Bắc, tìm đường về kinh đô Cổ Loa để xin mệnh của Ngô Vương (Ngô Quyền). Suốt hơn một tháng trời vượt đường với bao gian khổ, hai mẹ con đến được Cổ Loa xin vào bệ kiến nhà vua tâu trình về chuyện chồng mình đã mất.

Nghĩ đến người từng cùng mình theo phò họ Dương đánh giặc, lại là công thần của triều đình, nay nghe chuyện về hoàn cảnh "vợ góa, con côi" của cố nhân, Ngô Vương ngậm ngùi nói:

- Ta với tướng quân xưa cùng là tướng của Dương Tiên Công, người giữ châu Ái, người quản châu Hoan, tình thân lân quận, nghĩa nặng đồng liêu. Sau tướng quân lại cùng ta dẹp nội loạn, phá ngoại xâm.

Nay ta đã định đô dựng nước, tưởng chừng vua tôi cùng chung hưởng thái bình, nào ngờ tướng quân hưởng lộc chưa được bao lâu đã vội về trời. Thôi thì số mệnh đã định, phu nhân đừng quá đau buồn, ta ban cho phu nhân vàng lụa để về quê nhà làm nhà tậu ruộng, nuôi Bộ Lĩnh cho khôn lớn để sau còn ra giúp nước.

Ngô Vương lại truyền gọi Đinh Bộ Lĩnh đến gần ngai vàng, nhà vua xoa đầu, vỗ về cậu rồi hỏi:

- Cháu có muốn xin ta điều gì không?

Đinh Bộ Lĩnh tâu rằng:

- Tiểu thần xin nhà vua ban cho một thanh gươm ạ!

Ngô Vương ngạc nhiên hỏi:

- Cháu còn trẻ tuổi, không lo việc học đi, định dùng gươm để làm gì?

Đinh Bộ Lĩnh đáp:

- Tâu đức vua, đến khi tiểu thần khôn lớn, trưởng thành sẽ dùng thanh gươm ấy phò giúp nhà vua đánh dẹp bốn phương, định yên nước nhà.

Ngô Vương nghe xong vui cười khen ngợi Đinh Bộ Lĩnh tuổi nhỏ mà đã có khí phách anh hùng, rất xứng đáng là con cháu dòng dõi nhà làm tướng. Sau đó vua sai người hầu mang một thanh gươm quý ban cho Đinh Bộ Lĩnh.

Thanh gươm này, Đinh Bộ Lĩnh coi là báu vật, giữ gìn cẩn thận bên mình. Khi trưởng thành, dấy cờ nghĩa dẹp loạn, thanh gươm ấy đã theo ông suốt quãng thời gian dài chinh chiến gian khổ, để rồi:

Bốn phương thu lại một nhà,

Mười hai sứ tướng đều là quét thanh.

Trường Yên đầu dựng đô thành,

Cải nguyên là hiệu Thái bình từ đây.

Nghìn năm cơ tự mới xây,

Lên ngôi hoàng đế đặt bầy trăm quan.

(Đại Nam quốc sử diễn ca – Tg: Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái)

Thanh gươm gỗ thuở cờ lau tập trận

Sử chép về Đinh Bộ Lĩnh như sau: "Khi Công Trứ mất rồi, ngài hãy còn nhỏ, Đàm thị đưa về ở động núi. Chăn trâu ngoài nội, chơi với đám trẻ con, ngài được chúng chịu phục cả. Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ thiên tử. 

Số phận trái ngược của hai thanh gươm báu của vua Đinh Tiên Hoàng - Ảnh 2.

 Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc" (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Như vậy có thể thấy, bông hoa lau được dùng để làm cờ khi lũ trẻ bắt chước nghi trượng của thiên tử rước "chủ tướng" Đinh Bộ Lĩnh và hoa lau cũng được vị vua tương lai dùng làm cờ lúc đánh trận giả, chứ không phải là vũ khí như một số người nhầm tưởng khi nhắc đến Đinh Bộ Lĩnh.

Vậy "vũ khí" của đám trẻ trâu Hoa Lư dùng là gì?

Chắc chắn không ngoài que, gậy hoặc côn, gươm gỗ… Vì thanh gươm báu được vua Ngô ban cho, người mẹ đã cất kỹ, bản thân cũng biết chưa đến tuổi để dùng nó nên trong lúc chăn trâu, chơi trận giả với đám trẻ mục đồng, Đinh Bộ Lĩnh đã dùng một thanh gươm bằng gỗ. Đây có lẽ là vũ khí đầu tiên của người anh hùng động Hoa Lư.

Truyền tụng tại Hoa Lư kể rằng Đinh Bộ Lĩnh khi tập trận cùng lũ trẻ thường đeo gươm bằng gỗ, cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng trông rất oai phong. Sau mỗi buổi tập trận, lũ trẻ lại khoanh tay làm kiệu rước Đinh Bộ Lĩnh với "nghi trượng" là bông lau làm cờ, nón làm lọng. Đúng như câu câu ca:

Kiệu tay, lọng nón, cờ lau,

Phong lưu trong đám chăn trâu cũng vừa.

Mai ngày ta được làm vua,

Tán vòng, tán tía cũng thừa phong lưu.

Thanh gươm gỗ mà Đinh Bộ Lĩnh sử dụng để chơi trận giả được làm bằng gỗ sòi. Người ta đồn rằng vì nằm trong tay người có "thiên mệnh đế vương" nên thanh gươm gỗ đó không giống như bình thường mà nó có khả năng đoạt mạng người.

Số phận trái ngược của hai thanh gươm báu của vua Đinh Tiên Hoàng - Ảnh 3.

Thanh gươm gỗ sồi và lá cờ hoa lau. (Hình minh họa – Nguồn: sachxua.net)

Ngọc phả đền Lăng (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) có viết về chuyện này như sau: "Một hôm Bộ Lĩnh hứa với lũ mục đồng ở núi Mai Viên rằng nay mai ta sẽ mổ trâu khao thưởng, ngày ấy ai vắng mặt sẽ bị chém đầu. Đến ngày, ông sai mổ ngay trâu của cậu mình khao quân. Có một tên mục đồng đến muộn.

Bộ Lĩnh cho là vi phạm mệnh lệnh, lôi cổ ra dùng gươm gỗ chém đầu. Nào ngờ tên ấy chết ngay, cả lũ mục đồng đều sợ xanh mắt, bèn mang xác tên kia ra sườn núi mà chôn".

Thần phả Đinh Tiên Hoàng Đại thắng hoàng đế ở đền Đặng Xá (huyện Kim Bảng, Hà Nam) cũng nhắc đến chi tiết Đinh Bộ Lĩnh dùng gươm gỗ:

"Hàng ngày thường chăn trâu cho nhà cậu dưới chân núi Mai Viên, cùng chơi đùa tập cưỡi ngựa bắn cung với lũ trẻ bản động, lấy bông lau làm cờ, tre gỗ làm gươm giáo, Ngài được lũ trẻ kính nhường, suy tôn ngài làm chúa.

Bấy giờ chúng thường khoanh tay làm kiệu, lấy bông lau, tre gỗ làm cờ quạt, gươm giáo hai hàng mà rước Ngài để tượng trưng cho sự uy nghi của Thiên tử. Một hôm Ngài họp lũ trẻ lại, hẹn năm ngày sau cùng đến bên núi mổ trâu để khao thưởng bộ hạ. Tới ngày đó, Ngài đem một con trâu của cậu ruột giết thịt khao quân.

Bấy giờ có một tên đến muộn, Ngài tức giận nói: "Kẻ trái lệnh phải chém". Nói đoạn lấy gươm gỗ chém. Chẳng biết do trời hay do mệnh, mà Đinh công vừa đưa một gươm, người đó đã chết liền. Người đó chính là con của nhà họ Đàm ở Mai Viên vậy. Ngài liền truyền cho lũ trẻ đem chôn ở dưới chân núi. Cậu ruột là Đàm Thuyên sợ bị vạ lây, bèn rượt đuổi Ngài. Đang đêm, Ngài phải trốn đi".

Thanh gươm gỗ này Đinh Bộ Lĩnh đã bỏ lại khi chạy trốn lúc bị người chú (có thuyết nói là cậu) đuổi bắt nhằm trị tội giết trâu "khao quân" và làm chết người. Thanh gươm đó là thanh gươm dùng thời trẻ, nên nó không có số phận tốt như thanh gươm báu của vua Ngô ban cho Đinh Bộ Lĩnh – thanh gươm đã giúp ông lập lên đại nghiệp trong việc dẹp loạn, dựng cơ đồ.

Tài liệu tham khảo:

-Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái) – NXB Giáo dục, 2007

-Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) - NXB Giáo dục, 1998

-Thắng tích cố đô Hoa Lư và những huyền thoại (Lê Doãn Đàm) – NXB Phụ nữ, 2009

-Thần tích Việt Nam (Lê Xuân Quang) – NXB Thanh niên, 2007

-Trăn trở ngàn năm – Huyền thoại, truyền thuyết Đinh, Lê ở Hà Nam (Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm)- NXB Thời đại, 2014

-Văn hóa dân gian cố đô Hoa Lư và các vùng phụ cận (Đỗ Danh Gia) – NXB Thời đại, 2010

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại