Trong buổi họp báo chiều 14/2, đại diện tỉnh Lai Châu cho biết, số lượng người liên quan đến vụ ngộ độc sau bữa ăn tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện biên giới Phong Thổ đã lên con số 38.
Trong đó, có 5 phụ nữ và trẻ em. Nhiều trường hợp một gia đình có đến 2 hoặc 3 người bị ngộ độc.
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho hay: “Sự việc ngộ độc tại địa phương được đánh giá là rất nghiêm trọng.
Trước mắt tỉnh đã chỉ đạo tập trung tất cả các nguồn lực, nhân lực hiện có để cứu chữa các nạn nhân đã được xác định. Việc rà soát, tìm kiếm các nạn nhân còn lại vẫn đang được triển khai”.
Toàn cảnh cuộc họp báo thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm chiều 14/2.
Trong chiều 14/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận thêm 8 trường hợp ngộ độc nặng. Trong đó có 3 trường hợp phải chạy thận và lọc máu, một trường hợp của cụ ông 65 tuổi tình trạng có triều hướng xấu và có nguy cơ tử vong rất cao.
Ông Đồng Xuân Linh - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cũng thông tin: “Ngay khi nhận được thông tin ở bản Tả Chải có sự việc, chúng tôi đã trực tiếp xuống thì có 3 người đã chết, 2 người có biểu hiện co cứng chân tay, mắt mờ, vã mồ hôi.
Chúng tôi vận động đưa ngay đến y tế xã nhưng do tình trạng quá nặng nên gia đình họ không chấp nhận vì theo phong tục, nếu chết ở ngoài không được đưa về nhà, thậm chí không được đưa về bản”.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, số nạn nhân của vụ việc trên có khả năng còn tiếp tục tăng.
Nguyên nhân là bởi một số lượng lớn người dân tham gia giúp và ăn uống tại đám ma trong các ngày 11, 12, 13/2 hiện đã đi làm nương hoặc đi ra khỏi địa bàn.
Kết quả test nhanh cho thấy mẫu rượu các nạn nhân sử dụng cho kết quả âm tính với cồn công nghiệp Methanol.
Để chủ động nắm bắt tình hình, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan chủ động liên lạc với các gia đình có người tham dự, ăn uống tại đám ma để kiểm tra các triệu chứng ngộ độc.
Tại cuộc họp báo, đại diện cơ quan chức năng Lai Châu cho biết đã hoàn thành việc lấy mẫu vật và mẫu thực phẩm để xét nghiệm xác định nguyên nhân.
Hiện ngành y tế đang tạm thời xác định triệu chứng lâm sàng của các nạn nhân là ngộ độc rượu và đang điều trị tích cực theo phác đồ này.
Về công tác hỗ trợ các nạn nhân, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ an táng phí cho các gia đình có người thiệt mạng gần 16,5 triệu đồng/nạn nhân và hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân đang điều trị 2 triệu đồng/bệnh nhân.
Trước đó, ngày 10/2, tại gia đình ông Phù Văn Lèng (SN 1957, ở bản Tả Chải) đã mời nhiều người đến nhà ăn uống. Tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong.
Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình đã tổ chức hậu sự, dân bản đã đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục của địa phương vào các ngày 11, 12, 13/2.
Ngay trong ngày 13/2 (sau khi ăn uống xong), nhiều người có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử. Đến tối 13/2, 7 người dân trong bản đã tử vong, đến nay đã có 33 người được đưa đi bệnh viện cấp cứu..
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.