Máu chảy thành tia trong thực quản
Mới đây, bệnh nhân H. V. T. 49 tuổi, địa chỉ Đoan Hùng – Phú Thọ vào cấp cứu tại Bệnh viện Hùng Vương Phú Thọ trong tình trạng xanh xao da, niêm mạc nhợt, củng mắt vàng, nôn ra máu đỏ tươi, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Theo người nhà bệnh nhân bệnh nhân tự nhiên xuất hiện nôn ra máu và đi ngoài ra máu tươi vào buổi sáng. Đến chiều tình trạng nôn ra máu ngày càng tăng gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết khi vào viện, bệnh nhân T trong tình trạng nguy hiểm, xuất huyết tiêu hóa nặng kèm theo các triệu chứng của sốc mất máu, bệnh nhân được đưa ngay đến phòng nội soi tiêu hóa cùng 4 đơn vị máu và huyết tương.
Khi máy nội soi tiến vào đến thực quản qua tâm vị bắt gặp điểm chảy máu liên tục thành tia. Vừa truyền máu cấp cứu các bác sỹ tiến hành thủ thuật thắt tĩnh mạch thực quản cầm máu.Tĩnh mạch thực quản của bệnh nhân giãn rất nhiều (độ III) nên bác sĩ phải sử dụng tới 3 đầu thắt mới có thể cầm máu.
Sau khi thắt các búi giãn, điểm vỡ tĩnh mạch thực quản mới được kiểm soát nhưng bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu.
Ông T đang cấp cứu trong bệnh viện
Người nhà ông T chia sẻ ông T nghiện rượu nhiều năm nay và có tiền sử xơ gan nhưng không điều trị thường xuyên và vẫn uống rượu rất nhiều. Đây là nguyên nhân khiến tĩnh mạch thực quản bị vỡ. Bệnh nhân hiện đang được điều trị hồi sức cấp cứu tại bệnh viện.
Dễ tử vong
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị vỡ tĩnh mạch thực quản nghiện rượu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Thịnh, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có tới 20% số trường hợp mắc bệnh xơ gan mất bù, thậm chí ung thư gan do rượu. Trong đó, nguyên nhân tử vong hàng đầu là biến chứng xuất huyết tiêu hóa do hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và tiếp đến là ung thư gan, nhiễm khuẩn.
Biến chứng nguy hiểm nhất ở bệnh nhân xơ gan là xuất huyết tiêu hóa do hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của bệnh này.
PGS Thịnh chia sẻ việc xử trí biến chứng này hiện còn rất khó khăn tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước bởi đây là một cấp cứu nội- ngoại khoa đòi hỏi các bác sĩ có chuyên môn sâu và kỹ thuật hiện đại.
Những biến chứng nặng của bệnh gan mạn tính như cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa nặng, viêm phúc mạc màng bụng, nhiễm trùng nặng, suy chức năng gan thận, thậm chí hôn mê gan.
Tuy nhiên, bác sĩ Thịnh cho biết dù suy chức năng gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa với vàng da, cổ trướng hay bệnh não gan vẫn có thể đảo ngược bệnh theo chiều hướng tích cực khi mà người bệnh quyết tâm kiêng rượu tuyệt đối, tuân thủ điều trị chuyên khoa, được chăm sóc tốt và dinh dưỡng đầy đủ.
Biểu hiện sớm của viêm gan do rượu ban đầu bệnh thường tiến triển âm thầm, ít biểu hiện lâm sàng, đôi khi chỉ có cảm giác mệt mỏi thoảng qua, và thường không được phát hiện. Khi có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, chậm tiêu, đầy bụng, nặng tức hạ sườn phải, da niêm mạc vàng, phù hai chân... bệnh đã muộn.
Theo PGS. Thịnh, điều trị nhóm bệnh nhân xơ gan do rượu khác hẳn với nhóm bệnh nhân viêm gan và xơ gan do virus B hoặc C. Muốn điều trị có kết quả tốt, đầu tiên bệnh nhân phải được điều trị nội khoa tích cực để xử trí biến chứng và nguy cơ biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Kế tiếp là quản lý và giám sát người bệnh kiêng rượu sau khi ra viện. Bệnh nhân ra viện rất khó cai rượu. Vì vậy đòi hỏi phải có sự chung tay của gia đình người thân để bệnh nhân cai rượu hoàn toàn bởi đây là nguyên nhân gây bệnh.
Nếu bệnh nhân không thể từ bỏ thói quen uống rượu thì gia đình nên đưa bệnh nhân đến khám chuyên khoa thần kinh- tâm thần hoặc các trung tâm cai rượu để cai rượu hiệu quả.
Bác sỹ khuyến cáo: với những bệnh nhân bị xơ gan cần điều trị tích cực, liên tục và không uống rượu, bia. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo lịch và thực hiện theo đúng những lưu ý của bác sỹ điều trị.
Đặc biệt, khi có dấu hiệu nôn, đi ngoài ra máu đỏ tươi cần đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời, nếu thời gian không được cấp cứu kéo dài quá lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.