“Nghiện” mua vàng sau khi học cách sống tối giản: Dùng điện thoại 8 năm không đổi, có năm chẳng mua quần áo mới lần nào

Ngọc Linh |

Tiết kiệm gây “nghiện” là có thật, mua vàng tích sản cũng thế!

Khi được hỏi về “thâm niên” sống tối giản, Thu Hà (sinh năm 1994) nhẩm tính mất khoảng chừng 5 giây rồi tự tin khẳng định: “Chắc là cũng gần 7 năm rồi ấy” . Vậy là kể từ năm 2017, ở độ tuổi 22 tuổi, Thu Hà đã bắt đầu tìm hiểu và theo đuổi lối sống tối giản.

Mon men học cách sống tối giản vì lương tăng, nhưng tiền tiết kiệm vẫn tròn trĩnh bằng 0

Chia sẻ về cơ duyên tìm hiểu và theo đuổi lối sống tối giản, Thu Hà cười xòa, khẳng định ở thời điểm mới tốt nghiệp Đại học vào cuối năm 2016, cô chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống tối giản.

“Hồi ấy, mình mới đi làm, lương thực nhận về tay được có 4.750.000đ, chưa nổi 5 triệu nữa. Chừng đó tiền bây giờ thì khó sống vì vật giá leo thang quá, nhưng gần chục năm về trước thì cũng không dễ thở hơn là mấy đâu, hoặc do lúc ấy mình còn tiêu hoang quá nên thấy vậy”.

Nghĩ về cách chi tiêu của bản thân trước khi học sống tối giản, Thu Hà thừa nhận cô chẳng nhớ mình đã phân bổ chi tiêu thế nào. Khoản chi duy nhất mà Thu Hà nhớ được chỉ là tiền thuê nhà cùng phí dịch vụ hết khoảng 1,2 triệu đồng. Hơn 3,5 triệu đồng còn lại, Thu Hà cứ túc tắc ăn uống, mua sắm, thi thoảng cho em gái vài trăm ngàn tiêu vặt, đến khoảng ngày 25-26 hàng tháng là hết sạch.

Ảnh minh họa

“Mình cũng phải sống trong cảnh thiếu thốn ấy 1 năm trời, cho đến khi được tăng lương, lên 6,5 triệu đồng/tháng, và tìm được việc làm thêm ngoài giờ, tổng thu nhập được khoảng 8 triệu/tháng thì mới không còn cảnh cứ cuối tháng là hết tiền, nhưng mà mình vẫn không tiết kiệm được đồng nào.

Mình có tâm sự việc này với 1 bà chị thân ở công ty, thì chị gửi cho mình 1 link bài về lối sống tối giản. Lúc đấy thì khái niệm sống tối giản chưa phổ biến như bây giờ, nên đọc xong mình thấy cũng thú vị, nên mới mon men tìm hiểu rồi áp dụng theo.

Việc đầu tiên mình làm là dọn tủ, thanh lý bớt quần áo với mỹ phẩm, đồ trang điểm còn dùng được mà mình ít dùng. Có dọn mới thấy chẳng hiểu đâu ra tiền mà mua lắm thế luôn. Sau đó thì cứ dần dần, mỗi tháng bớt tiêu linh tinh, bớt mua sắm bốc đồng nên mới tiết kiệm được chun chút” - Thu Hà bộc bạch.

Lần đầu mua vàng đã “chốt” luôn 4 chỉ, lâu dần thành “nghiện”, muốn mua gì cũng quy hết ra thành giá vàng!

Hiện tại, sau khoảng 7 năm sống tối giản, hạn chế mua sắm linh tinh, Thu Hà thừa nhận có lẽ cô đã trở thành một người… “nghiện” mua vàng.

“Mình vẫn nhớ Tết Nguyên Đán năm 2018, mình được thưởng 1 tháng lương, đâu đó khoảng 7 triệu đồng. Cộng thêm khoảng 8 triệu tiền tiết kiệm nữa là lúc đó mình có 15 triệu. Thật sự luôn hồi ấy nhìn số dư tài khoản thế đã thấy vi diệu lắm rồi, vì mình từng là đứa lương chưa tới 5 triệu, lại chẳng có đồng nào dắt lưng ý.

Mình có khoe với mẹ, kêu biếu mẹ 10 triệu tiêu Tết nhưng mẹ chẳng nhận, khuyên mình nên giữ lại 2 triệu thôi, còn lại đi mua vàng hết. Mình nghĩ cũng hợp lý, vì hồi đó cũng không tự tin với khả năng giữ tiền nên mình mang hết 15 triệu đấy mua vàng, mua được 4 chỉ, còn dư đâu đó khoảng hơn 500k 1 chút, cộng thêm với tiền lương tháng trước Tết nữa thì mình vẫn có tiền chơi Tết” - Thu Hà chia sẻ về lần đầu tiên mua vàng.

Sau đó, cứ 2 tháng 1 lần, Thu Hà lại gửi tiền nhờ mẹ mua giúp và giữ giúp 1 chỉ vàng. Tích lâu thành “nghiện”, cứ có thưởng nóng hay thưởng Tết, Thu Hà đều để dành để mua vàng. Thậm chí, cô còn “nghiện” mua vàng đến mức bản thân cứ có nhu cầu sắm sửa thứ gì là lại quy hết ra thành giá vàng, xong rồi thấy tiếc, nên lại chẳng mua nữa.

Ảnh minh họa

“Đến giờ mình vẫn đang dùng iPhone XR, gọi là iPhone cục gạch chắc cũng không sai. Thực ra mình cũng không ít lần định đổi điện thoại, nhưng cứ nghĩ chiếc này vẫn dùng tốt, mà tự nhiên lại dành 25-30 triệu, tức là gần 5 chỉ vàng ra để mua, thì tự nhiên lại thấy tiếc tiền, lại thôi không mua nữa.

Thế nên mình mới nghĩ là mình “nghiện” mua vàng rồi ấy. Kể cả giày dép, túi xách hay quần áo, mình cũng quy hết ra thành giá vàng để tính. Nghĩ mãi thành quen, có năm tiếc tiền, muốn để dành tiền để mua vàng nên mình còn chẳng sắm quần áo mới lần nào” - Thu Hà kể.

“Sống tối giản nhưng có 3 khoản chi không bao giờ được tiếc: Tiền ăn, tiền học, tiền đi du lịch”

Thu Hà cho rằng ranh giới giữa việc sống tối giản và sống chi li, khắc khổ thực ra cũng khá mong manh. Với riêng cô mà nói, tiền đổi điện thoại, tiền mua sắm những vật ngoài thân thì có thể tiếc, càng tiếc càng tốt, nhưng ngược lại, cũng có 3 khoản chi không bao giờ nên tiếc.

“Đó là tiền ăn, tiền học và tiền đi du lịch.

Tiền ăn ở đây nghĩa là tiền mua thực phẩm ấy, chứ không phải chi tiền ăn ngoài cả tháng. Chứ giả sử cả tháng ăn mì tôm thì cũng tiết kiệm được khối, nhưng như thế thì là sống khổ rồi, không phải sống tối giản nữa. Mình nghĩ sống kiểu gì thì sống, cũng phải ăn sạch, ăn ngon mới đảm bảo tinh thần luôn vui tươi và sức khỏe luôn tốt.

Còn tiền học thì chắc dễ hiểu quá rồi, học những thứ bản thân thấy thích, thấy cần thiết cho công việc hoặc việc phát triển tinh thần, sự hiểu biết, thì mình đều thấy là đáng chi cả. Nói chung, học không bao giờ là thừa, là lãng phí hết.

Cuối cùng là tiền đi du lịch. Mỗi năm mình đều đi du lịch ít nhất 2 chuyến, một chuyến đi cùng công ty, và 1 chuyến mình tự đi, có thể là với hội bạn thân hoặc đi một mình. Còn trẻ, còn khỏe, còn sức mà, tội gì không thăm thú đây đó. Đi chơi rồi về cũng có động lực làm việc hơn” - Thu Hà chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại