Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến con người theo những cách khác nhau, nhất là về tỷ lệ nhiễm virus và tỷ lệ tử vong. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào sự khác biệt giới tính ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Trong các tài liệu chuyên ngành, những ảnh hưởng này thuộc phạm vi thuật ngữ "ảnh hưởng nguyên phát" của đại dịch, trong khi các "tác động thứ phát" có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến chính trị và xã hội.
Nữ nhân viên y tế khoa Truyền nhiễm, BV đa khoa Bình Thuận trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh Ngô Tùng
Một số nước: Nam giới có nguy cơ tử vong cao gấp đôi nữ
Global Health 5050, một tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe, đã tổng hợp toàn bộ và từng phần dữ liệu sẵn có từ các quốc gia có số lượng mắc Covid-19 cao nhất.
Theo đó, tỷ lệ tử vong chênh lệch giữa nam và nữ do đại dịch Covid-19 gây ra cao nhất ở Đan Mạch (tỷ lệ 2,1) và Hy Lạp (1).
Ở những quốc gia này, nam giới có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao gấp đôi so với nữ giới. Tại Đan Mạch, có đến 5,7% trường hợp nhiễm Covid-19 là nam giới đã tử vong, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 2,7%.
Tại Cộng hòa Ireland, tỷ lệ tử vong nam / nữ là 2: 1, trong khi Ý và Thụy Sĩ là 1,9:1.
Có sự giống nhau rõ rệt về tỷ lệ của các quốc gia đã công bố đầy đủ số liệu.
Ví dụ Iran, tỷ lệ tử vong chênh lệch giữa nam và nữ là 1,1:1
Na Uy là 1,2: 1.
Ở Iran, tỷ lệ tử vong ở nữ giới là 5,4%, ở nam giới là 5,9%.
Ở Na Uy: nữ: 1,3% nam 1,1%.
Trung Quốc có tỷ lệ chênh lệch là 1,7.
Mức tử vong ở nữ là 2,8%, so với nam giới 4,7%.
Sự khác biệt tỷ lệ nhiễm ở nam và nữ
Một so sánh song song về tỷ lệ nhiễm giữa hai giới không giải thích được vì sao nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn, cũng không có đủ cơ sở để đưa ra kết luận về tỷ lệ nhiễm bệnh liên quan như thế nào với giới tính.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở Đan Mạch, nơi nam giới có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gấp đôi so với nữ giới thì tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm Covid-19 lại thấp hơn: 54% so với tỷ lệ nhiễm bệnh ở nam giới là 46%.
Ngược lại, ở Iran, nơi tỷ lệ tử vong giữa nam và nữ ít có sự khác biệt nhất (1,1: 1), thì chỉ có 43% trường hợp nhiễm Covid-19 là nữ so với 57% ở nam.
Rất khó giải thích đầy đủ lý do vì sao lại có sự khác biệt của những con số này cho đến khi có những bằng chứng xác thực được các chuyên gia đưa ra.
Những gì chúng ta biết cho đến nay là từ 9/18 quốc gia đã cung cấp dữ liệu được phân theo giới tính đã cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở nữ giới cao hơn so với nam giới. Ngược lại, chỉ có 6/18 quốc gia đó có tỷ lệ nhiễm ở nam giới cao hơn nữ giới.
Na Uy, Thụy Điển và Đức có tỷ lệ nhiễm ở 2 giới ngang bằng nhau 50:50.
Các quốc gia khác có tỷ lệ nữ giới nhiễm Covid-19 cao hơn nam giới bao gồm:
Thụy Sĩ (53% ở nữ giới, 47% ở nam giới)
Tây Ban Nha (51%: 49%)
Hà Lan (53%: 47%)
Bỉ (55%: 45%)
Hàn Quốc (60%: 40%)
Bồ Đào Nha (57%: 43%)
Canada (52%: 48%)
Cộng hòa Ireland (52%: 45%)
Các quốc gia như Hy Lạp, Ý, Peru, Trung Quốc và Úc lại có số nam giới nhiễm bệnh nhiều hơn nữ giới.
Tại sao tỷ lệ tử vong ở nam giới lại cao hơn?
Có thể giải thích một phần tại sao virus SARS-CoV-2 lại gây bệnh nặng hơn ở nam giới chính là do sự khác biệt về đặc tính sinh học.
Phản ứng miễn dịch bẩm sinh của nữ giới đóng vai trò quan trọng. Các chuyên gia đồng ý rằng khác biệt giới tính (chẳng hạn như khác biệt về nhiễm sắc thể và hormone giới tính) ảnh hưởng đến cách hệ miễn dịch phản ứng lại với mầm bệnh.
Vì vậy, phụ nữ có thể đã có phản ứng miễn dịch mạnh hơn khi bị nhiễm trùng cũng như các phản ứng sau tiêm chủng.
Cụ thể, một số nghiên cứu đã tiến hành trên chuột về virus corona cho thấy hormone estrogen có thể có tác dụng bảo vệ.
Trong nghiên cứu trên, các tác giả lưu ý rằng ở chuột đực có phản ứng cytokine (phản ứng miễn dịch) rất mạnh nhưng không hiệu quả. Các cytokine gây tổn thương các nhu mô phổi và gây ra sự rò rỉ các mạch máu phổi.
Trong khi, Estrogen có thể làm chậm giai đoạn tiến triển của phản ứng miễn dịch dẫn đến tăng giải phóng cytokine. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khi chuột cái được điều trị bằng chất đối kháng thụ thể estrogen thì tỷ lệ chết của chuột cái gần bằng với chuột đực.
Như một số nhà nghiên cứu đã lưu ý, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn hút thuốc và uống rượu, có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở nam giới, cũng có thể là lý do làm cho nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Giới khoa học từ lâu đã thiết lập mối liên hệ giữa những thói quen sinh hoạt như vậy với một số yếu tố có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị của bệnh nhân mắc Covid-19 như bệnh tim mạch, tăng huyết áp và bệnh phổi mãn tính.
Tại sao nữ giới có thể có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn?
Trong thực tế, xã hội có truyền thống gán người phụ nữ với việc chăm sóc gia đình như một vai trò mà họ hiển nhiên phải thực hiện, cộng với một thực tế khác là phần lớn các nhân viên y tế là phụ nữ- cả hai yếu tố này có thể khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này có thể giải thích cho tỷ lệ nhiễm ở nữ giới cao hơn nam giới ở một số quốc gia.
Một nghiên cứu trên 104 quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê phụ nữ chiếm khoảng 70% tổng số nhân viên y tế. Tại Hồ Bắc (Trung Quốc), phụ nữ chiếm hơn 9% tổng số nhân viên y tế.
Điều này nhấn mạnh rằng: "Đặc trưng về giới tính của nhân viên y tế và các yếu tố nguy cơ khiến các nhân viên y tế nữ phải gánh chịu hậu quả." (theo bài báo về tác động giới tính của đại dịch trên tạp chí y học Lancet).
Ảnh minh họa sự khác nhau giữa vai trò định kiến cho nam giới và nữ giới.
Mặc dù chúng ta chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về điều này vì các dữ liệu theo giới tính chưa được cung cấp đầy đủ, nhưng Lancet đang cố gắng tìm ra manh mối từ các quan sát ở các dịch bệnh trước đây.
Theo các nhà nghiên cứu: "Trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola ở Tây Phi năm 2014, các định kiến về giới tính đã khiến phụ nữ dễ bị nhiễm virus hơn, xuất phát từ vai trò chủ yếu của họ được cho rằng là người chăm sóc cho gia đình, đồng thời cũng là nhân viên y tế tuyến đầu."
Các tác giả cũng kêu gọi chính phủ và các tổ chức y tế cung cấp và phân tích dữ liệu về sự khác biệt đặc điểm sinh học cũng như giới tính trong đại dịch.
Tại sao cần nhanh chóng báo cáo dữ liệu được phân theo giới tính?
Một nghiên cứu trên Lancet cho biết: "Nhận biết được mức độ bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến nữ giới và nam giới là một bước cơ bản để hiểu được những ảnh hưởng nguyên phát và thứ phát của tình trạng sức khỏe khẩn cấp đối với các cá nhân và cộng đồng khác nhau, nhằm tạo ra các chính sách và chương trình can thiệp một cách hiệu quả và công bằng."
Ví dụ, xác định được các khác biệt chủ yếu giúp phụ nữ có khả năng hồi phục nhanh hơn sau khi nhiễm bệnh có thể giúp tạo ra các loại thuốc nhằm tăng cường khả năng miễn dịch ở nam giới.
Việc đưa ra các chính sách và chiến lược can thiệp nhằm xem xét nhu cầu của các nữ nhân viên y tế tuyến đầu, có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở nữ giới
Cuối cùng, nam giới và nữ giới có xu hướng phản ứng khác nhau với các loại vắc-xin và các phương pháp điều trị. Do đó, các dữ liệu được phân theo giới tính rất quan trọng để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng an toàn.
Anna Purdie – cũng là nhân viên của Global Health 5050 – cùng các đồng nghiệp đã tóm tắt trong báo cáo của họ như sau: "Dữ liệu phân theo giới tính rất quan trọng trong việc biết được sự phân bố của các yếu tố nguy cơ, nhiễm trùng và bệnh tật trong dân số, cũng như mức độ các đặc điểm sinh học và giới tính ảnh hưởng đến kết quả điều trị."
"Hiểu về mối liên quan giữa đặc điểm sinh học và giới tính đến sức khỏe toàn cầu không nên được xem như một thành phần không bắt buộc. Chúng phải là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả và công bằng của hệ thống y tế quốc gia cũng như trên toàn cầu. Chính phủ các quốc gia và các tổ chức y tế phải khẩn trương đối mặt với thực tế này." Anna Purdie-tác giả nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm.
Theo Ana Sandoiu- Medicalnewstoday
Thiếu dữ liệu về sự khác biệt giới tính
Xin chú ý rằng những dữ liệu này chưa hoàn thiện mà vẫn còn đang được cập nhật, vì không phải tất cả các quốc gia đều công bố dữ liệu phân theo giới tính.
Một báo cáo được đăng tải trên tạp chí BMJ Global Health vào ngày 24/ 3/2020, đã xem xét dữ liệu từ 20 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất vào thời điểm đó.
Trong số 20 quốc gia này, các nước như Bỉ, Malaysia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Hoa Kỳ không công bố các dữ liệu phân theo giới tính. Anna Purdie và cộng sự (các tác giả của nhóm nghiên cứu ở Đại học College London, Vương quốc Anh) đã kêu gọi họ nên cung cấp các dữ liệu này.
Sau đó, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã thực hiện phân tách dữ liệu theo giới tính.
Tuy nhiên, Vương quốc Anh chỉ cung cấp một phần dữ liệu phân theo giới tính của nước Anh và xứ Wales, không bao gồm Scotland và Bắc Ireland. Malaysia và Mỹ lại không phân chia. Tại thời điểm bài báo được viết, Mỹ vẫn chưa hề công bố bất kỳ dữ liệu nào theo giới tính mặc dù đây là quốc gia có số lượng nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới.