Ba thức uống quen thuộc từ lá trà là trà đen, trà xanh, trà ô long vẫn thường được đem ra "cân đo" về các lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học The Lancet Reigonal Healh - Western Pacific cho thấy dù uống loại nào, bạn vẫn đạt được lợi ích cực lớn ở mức 3 tách/ngày.
Công trình được thực hiện bởi nhóm khoa học gia đến từ Đại học Tứ Xuyên, Đại học Y Côn Minh, Đại học Y Quý Châu... và nhiều trung tâm, trường y khoa khác của Trung Quốc.
Các tác giả đã phân tích chi tiết dữ liệu của gần 14.000 người được thu thập bởi ngân hàng dữ liệu sinh học uy tín hàng đầu thế giới Biobank của Anh.
Các tình nguyện viên này được tham gia các khảo sát cơ bản lẫn chi tiết về tình hình sức khỏe và chế độ ăn uống.
Họ được tính toán gia tốc tuổi sinh học (BA), có thể hiểu nôm na là sự tăng tốc dần của quá trình lão hóa theo tuổi tác, thông qua nhiều thông số sức khỏe, bao gồm 15 dấu ấn sinh học như huyết áp tâm thu, tỉ lệ eo - hông, các chỉ số cholesterol, các chỉ số phản ánh sức khỏe gan...
Kết quả cho thấy những người có thói quen uống trà hàng ngày - bất kể loại trà nào - thể hiện gia tốc tuổi sinh học chậm hơn những người không uống.
Điều này có nghĩa là so với người cùng độ tuổi, họ có tốc độ suy giảm sức khỏe nói chung thấp hơn, giúp họ cao tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh hơn người. Chưa kể, việc khỏe hơn, ít bệnh tật cũng làm tăng tuổi thọ.
So sánh nhiều mức uống trà khác nhau, các tác giả chỉ ra liều lượng 3 tách/ngày, tương đương khoảng 6-8g trà, sẽ cho tác dụng bảo vệ cao nhất.
Tác dụng có lợi được ghi nhận ở cả 3 thức uống quen thuộc nhất trong nhóm trà: Trà đen, trà xanh, trà ô long.
Ba thức uống này đều làm từ lá trà nhưng có độ lên men khác nhau, dẫn đến thành phẩm trông khác nhau, hương vị và các hợp chất có lợi bên trong cũng nhiều phần khác nhau.
Tuy nhiên, dù được chế biến cách nào, các thức uống làm từ lá trà vẫn giữ được các hợp chất chống oxy hóa có lợi, chưa kể có thêm một số hợp chất khác là kết quả của quá trình lên men.
Theo nhóm tác giả, phát hiện này đem lại một phương án hữu ích để giữ gìn sức khỏe trong bối cảnh áp lực "già vẫn phải khỏe" ngày một gia tăng.
Từ năm 2020 đến 2050, số người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi, đạt 2,1 tỉ người, tương đương 22% dân số thế giới. Vì vậy, già hóa dân số trở thành một trong những thách thức toàn cầu quan trọng, đòi hỏi các phương thức nhằm duy trì sức khỏe ở người cao tuổi.