Mỗi đứa trẻ được sinh ra cũng giống như những tờ giấy trắng.Tờ giấy trắng ấy trở thành một bức tranh đẹp, hay trở nên nhàu bẩn, rách nát, đều phụ thuộc vào những nét vẽ đầu tiên của cha mẹ. Điều này cho thấy, trong quá trình phát triển của con cái, cách giáo dục và dạy dỗ của cha mẹ có sự ảnh hưởng vô cùng quan trọng.
Theo công trình nghiên cứu “The Grant Study” kéo dài 75 năm của Đại học Harvard danh giá về sự phát triển IQ của trẻ đã đề cập, các thói quen nuôi dạy con tưởng chừng như vô hại mà cha mẹ ít để ý này, lại chính là “thủ phạm” âm thầm khiến cho con trẻ ngày càng trở nên kém thông minh, lâu dần có thể gây thui chột khả năng tư duy.
Nghiên cứu này dựa trên đối tượng cụ thể bao gồm 268 sinh viên tại Harvard. Sau khi phân tích, khảo sát, các chuyên gia đã cho kết quả đánh giá như sau:
Trí thông minh của trẻ ngoài yếu tố do gen di truyền ra, nó còn chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường sống của gia đình, cách nuôi dạy của cha mẹ, môi trường giáo dục,... Đặc biệt, những thói quen xấu cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, làm cho con ngày càng kém thông minh hơn.
Bà Julie Lythcott - Haims là cựu hiệu trưởng của Đại học Stanford, đồng thời là nhà giáo dục và diễn giả nổi tiếng tại Mỹ. Ảnh: TED Talks
Theo đó, nhà giáo dục, diễn giả người Mỹ nổi tiếng Julie Lythcott - Haims - tác giả của các tác phẩm nổi tiếng, như cuốn “Your Turn: How to Be an Adult” (Làm sao để con trưởng thành); “How to Raise an Adult, on parenting” (Cách nuôi dạy trẻ nên người),...đã chia sẻ trên chương trình TED Talks về nghiên cứu “The Grant Study” và chỉ ra rằng, 4 sai lầm trong cách dạy con sau đây có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số IQ cũng như trí thông minh của trẻ.
4 thói quen nuôi dạy sai lầm của cha mẹ có thể “bào mòn” trí thông minh của con
1. Cha mẹ bận rộn, ít khi trò chuyện cùng con cái
Theo các chuyên gia, quá trình giao tiếp thường xuyên giữa cha mẹ - con cái không chỉ giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung và tăng độ "nhạy" cho khả năng phản xạ, mà còn giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy và logic.
Cha mẹ bận rộn, ít khi trò chuyện cùng con, lâu dần có thể gây ra hạn chế về kỹ năng diễn đạt, kỹ năng giao tiếp của trẻ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc xây dựng sự tự tin cho trẻ trước đám đông, mà còn làm cho khoảng cách của mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày một xa hơn.
2. Cha mẹ xem nhẹ bữa ăn sáng của con
“Hãy ăn sáng như một vị vua” là câu nói đề cao vai trò của bữa ăn sáng mà ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua. Sau một giấc ngủ 8 tiếng, cơ thể vào buổi sáng rất cần được nạp năng lượng cho một ngày dài học tập và làm việc. Vì vậy, bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng là vô cùng cần thiết để giúp trẻ hoạt động hiệu quả.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, não của những đứa trẻ bỏ bữa sáng hay ăn sáng qua loa, “chiếu lệ” trong một thời gian dài sẽ hoạt động kém và thiếu tỉnh táo hơn. Ảnh minh họa
Ông Liu Jian - chuyên gia tại Trung tâm Giám sát Chất lượng Giáo dục Trung Quốc, Viện trưởng Viện Đổi mới Giáo dục Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết: “Dựa trên thống kê khảo sát về mối quan hệ giữa bữa ăn sáng và thành tích học tập của sinh viên, những sinh viên ăn sáng đầy đủ và đều đặn mỗi tuần có điểm số tốt hơn những sinh viên ăn sáng thất thường và thiếu chất”.
Vì vậy, cha mẹ dù bận rộn đến mấy cũng nên coi trọng chất lượng bữa ăn sáng cho con mình, không nên tiếp tục thói quen xem nhẹ bữa ăn quan trọng này. Ăn bữa sáng một cách chỉn chu, chất lượng cũng là phương pháp để củng cố mối quan hệ cha mẹ - con cái.
3. Cha mẹ để con thức khuya trong thời gian dài
Không chỉ người lớn có thói quen xấu này, mà trẻ em hiện nay cũng có xu hướng thức khuya nhiều hơn. Theo một cuộc khảo sát, 87% phụ huynh cho biết con cái họ thường xuyên thức khuya. Một số cho biết con họ thức khuya vì phải làm nhiều bài tập ở trường, số khác miễn cưỡng cho rằng con họ thức khuya là vì… chơi game, chơi điện thoại. Dù là lý do nào đi chăng nữa, việc thức khuya trong thời gian dài cũng sẽ gây ra những tác động xấu nhất định cho não bộ.
Ảnh minh họa
Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của não vào sáng hôm sau, thức khuya còn gây hại cho sự phát triển thể chất. Theo các chuyên gia, thời gian tiết hormone tăng trưởng GH nhiều nhất là từ 23h – 1h sáng. Đặc biệt với trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, nếu không được ngủ say vào khung giờ này sẽ ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng GH, từ đó hạn chế phát triển chiều cao.
4. Cha mẹ ít cho con đọc sách thường xuyên
Theo nghiên cứu “Lý luận về các giai đoạn phát triển của kỹ năng đọc” do chuyên gia tâm lý học, nhà nghiên cứu về đọc viết trong hơn 50 năm của Trường Đại học Giáo dục Harvard - bà Jeanne Chall chỉ ra rằng, 9 tuổi là độ tuổi “bước ngoặt” để phát triển kỹ năng đọc ở trẻ. Nếu một đứa trẻ không hình thành thói quen đọc sách trước 9 tuổi, thì về sau kỹ năng đọc hiểu của nó sẽ rất yếu kém.
Đọc hiểu là một kỹ năng vô cùng quan trọng cần được cha mẹ thường xuyên trau dồi, rèn luyện cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, bởi vì quá trình đọc hiểu sẽ giúp kích thích khả năng tập trung thị giác, khả năng phân biệt và tư duy con chữ.
Ảnh minh họa
Cha mẹ ít khi có thói quen cho con đọc sách, thay vì đọc sách thì cho con chơi điện thoại, xem tivi,... là một trong những nguyên nhân tai hại “bào mòn” trí thông minh của trẻ. Việc ít đọc sẽ dẫn đến khả năng phối hợp giữa mắt, não và miệng ít “nhạy” hơn, từ đó kỹ năng đọc hiểu, đọc thầm, đọc thuộc lòng trong việc học sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Môi trường gia đình, đặc biệt là các thói quen nuôi con tưởng chừng như quen thuộc của vô số các bậc cha mẹ, lại chính là “nguồn cơn” tác động trực tiếp đến IQ, thậm chí là EQ của trẻ. Các bậc phụ huynh cần biết và thay đổi các thói quen tai hại này sớm nhất có thể.