Khi chúng ta nghe về việc smartphone có thể dùng để thực hiện các nhiệm vụ phân tích, thường sẽ có một thiết bị kết nối với điện thoại. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, màn hình cảm ứng của smartphone thậm chí có dùng để kiểm tra nước uống và các chất lỏng khác.
Nói một cách dễ hiểu, màn hình cảm ứng điện dung có thể phát hiện sự biến dạng trong trường tĩnh điện của màn hình và được đo bằng sự thay đổi điện dung. Những biến dạng như vậy xảy ra khi một vật dẫn điện như đầu ngón tay chạm vào bề mặt của màn hình.
Tiến sĩ Ronan Daly và giáo sư Lisa Hall đến từ Đại học Cambridge đã cùng hợp tác và xác định xem liệu các ion trong chất lỏng có thể được phát hiện và đo lường hay không. Để làm như vậy, họ đã nhỏ các giọt chất lỏng khác nhau lên màn hình cảm ứng điện dung, tương tự như màn hình được sử dụng trên smartphone và máy tính bảng.
Người ta phát hiện thấy, các chất lỏng thực sự đã tạo ra một sự thay đổi có thể đo lường được. Ngoài ra mỗi chất lỏng có dấu hiệu nhận biết riêng của nó, dựa trên nồng độ và điện tích của các ion.
Các nhà nghiên cứu hiện hy vọng, một ngày nào đó mọi người có thể sử dụng màn hình smartphone để kiểm tra nước uống hoặc tìm các chất gây ô nhiễm như asen.
Để có kết quả tốt nhất, một phần của màn hình cảm ứng phải được thiết kế phục vụ điều này vì màn hình hiện được tối ưu hóa chủ yếu để phát hiện đầu ngón tay của người dùng.
Hall cho biết: "Đây là điểm khởi đầu cho việc khám phá rộng hơn việc sử dụng cảm biến trên màn hình cảm ứng và tạo ra các công cụ có thể tiếp cận cho tất cả mọi người, cho phép đo lường và truyền dữ liệu nhanh chóng".
Thông tin về nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Sensors and Actuators B mới đây.