Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Reading, Anh công bố mới đây, ấu trùng muỗi hay còn được gọi là bọ gậy (loăng quăng) có thể là nguồn lây nhiễm hạt vi nhựa vào cơ thể người.
Để kiểm chứng nguy cơ, nhóm đã tiến hành nuôi 150 ấu trùng muỗi dưới nước với hỗn hợp thức ăn và các hạt vi nhựa có kích thước khác nhau. Sau đó, họ kiểm tra 15 cá thể ngẫu nhiên khi chúng vẫn còn trong giai đoạn ấu trùng và 15 cá thể đã biến đổi thành muỗi trưởng thành.
Kết quả, các nhà khoa học tìm thấy các hạt vi nhựa trong 30 cá thể trên. Trung bình, một cá thể ấu trùng chứa hơn 3000 hạt vi nhựa kích thước 2µm. Khi chúng trưởng thành, chúng dần bỏ ăn các hạt vi nhựa và bài tiết hầu hết số nhựa này khỏi cơ thể. Nhưng ngay cả khi đã thải bỏ, chúng vẫn chứa khoảng 40 hạt vi nhựa trong người.
Các hạt vi nhựa được sản sinh ra từ các loại đồ vật như quần áo, lốp xe và kính áp tròng,… và chúng thường trôi nổi trên sông suối trước khi chảy ra đại đương.
Theo Newscientist, những hạt vi nhựa có kích thước siêu nhỏ, đa số nhỏ hơn 5mm và rất khó phát hiện để xử lý. Những hạt nhựa này trôi nổi trong nước và đi vào cơ thể các loài sinh vật dưới nước. Sau đó, hạt vi nhựa sẽ tiếp tục hành trình nếu loài ăn phải chúng bị một loài khác ăn thịt.
Các nhà khoa học tại Đại học Reading tin rằng, phát hiện mới nhất của họ là bằng chứng đầu tiên cho thấy, các hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào hệ sinh thái của chúng ta bằng nhiều đường khác nhau, thậm chí thông qua cơ thể của một con muỗi, chuồn chuồn hoặc các loại côn trùng khác.
Nhóm phát hiện ra rằng, nhiều hạt vi nhựa xuất hiện trong cơ thể muỗi trưởng thành sau khi bọ gậy lột xác. Điều này cũng đồng nghĩa, bất kỳ loại vật nào ăn những con muỗi hoặc côn trùng này cũng sẽ ăn phải nhựa mà không biết.
Nhà sinh học Amanda Callaghan, kiêm trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ với hãng thông tấn AFP: "Điều đáng bàn là quá trình này có thể lây lan rộng. Chúng tôi chỉ mới xem xét mỗi loài muỗi nhưng có rất nhiều loài côn trùng khác sống trong nước, có thời kỳ ấu trùng trước khi nổi lên mặt nước và lột xác trưởng thành".
Trong khi đó, tự nhiên đã sinh ra những loài thiên địch của côn trùng, đó là các loài như chim, dơi, nhện,… Các nhà khoa hoc tin rằng, đây là một con đường lây nhiễm hạt vi nhựa vào cơ thể người chưa từng được quân tâm trước đây.
Mặc dù nhóm nghiên cứu mới chỉ quan sát các loài muỗi trong quy mô phòng thí nghiệm nhưng theo Callaghan, rất có thể quá trình này đang hàng ngày diễn ra ngoài tự nhiên mà chúng ta không thể biết được.
Đó là chưa kể các hạt vi nhựa có thể tồn tại ngoài môi trường rất lâu trước khi bị phân hủy. Điều này càng tạo cơ hội cho các loài côn trùng như muỗi có dịp truyền chúng đi khắp mọi nơi, thậm chí lan tới cả những món ăn trên bàn nhà bạn.