Nghiên cứu mới: Nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn ở người bị dị ứng thực phẩm

Tài Văn |

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ, những người bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp hơn 50% so với những người không bị dị ứng thực phẩm.

Dị ứng thực phẩm có thể liên quan tới nguy cơ mắc COVID-19

Nghiên cứu Dịch tễ học và ứng phó với SARS-CoV-2 ở người (HEROS) đã theo dõi sức khỏe của 4.000 người trong 1.400 hộ gia đình từ tháng 5/2020 đến tháng 2/2021. Đây là thời điểm vaccine phòng COVID-19 chưa được tiêm chủng rộng rãi cho người dân.

Nghiên cứu gồm các hộ gia đình có ít nhất một người từ 21 tuổi trở lên và một số người trong mỗi hộ gia đình này sẽ được test 2 lần/tuần để sàng lọc phát hiện mắc COVID-19.

Kết quả cho thấy, những người bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn hẳn so với những người không bị dị ứng thực phẩm. Trong khi những người mắc bệnh hen và các tình trạng dị ứng khác, bao gồm bệnh chàm và viêm mũi dị ứng, không có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn hoặc cao hơn.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng ủng hộ một số nghiên cứu trước đây cho rằng có mối liên quan giữa béo phì và nguy cơ mắc COVID-19. Cụ thể trong nghiên cứu, chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 10 điểm có liên quan tới tăng 9% nguy cơ mắc COVID-19. Nhóm nghiên cứu cho biết: "Những người bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn 41% so với những người không thừa cân hoặc béo phì".

Trẻ em từ 12 tuổi trở xuống có nguy cơ mắc COVID-19 như thanh thiếu niên hoặc người lớn. Tuy nhiên, 75% số trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em không có triệu chứng.

Nghiên cứu mới: Nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn ở người bị dị ứng thực phẩm - Ảnh 1.

Người bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn người không bị dị ứng 50%

Đi tìm cơ chế của mối liên quan

Nhóm nghiên cứu hiện chưa rõ vì sao những người bị dị ứng thực phẩm lại có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn. Theo họ, có thể là tình trạng viêm type 2, thường do phản ứng dị ứng gây ra, đã làm giảm nồng độ các thụ thể ACE2 trên bề mặt của các tế bào đường hô hấp. Trong khi đó, các thụ thể ACE2 là nơi xâm nhập của SARS-CoV-2, do vậy ít thụ thể ACE2 hơn thì đồng nghĩa với ít nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể hơn.

Một lý do khác cũng được đề cập tới đó là những người bị dị ứng thực phẩm thường  ít đi ăn nhà hàng hơn và ít có nguy cơ phơi nhiễm với SARS-CoV-2 hơn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người bị dị ứng thực phẩm có mức độ tiếp xúc với cộng đồng chỉ thấp hơn một chút so với những người khác.

Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà trắng cho rằng: "Kết quả nghiên cứu mới này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em và thực hiện các biện pháp y tế công cộng khác nhằm phòng ngừa nhiễm SARS-CoV-2, điều này giúp bảo vệ cả trẻ em và các thành viên dễ bị tổn thương trong gia đình tránh mắc COVID-19".

"Bên cạnh đó, mối liên quan giữa dị ứng thực phẩm và nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, cũng như giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và nguy cơ mắc COVID-19 cần được nghiên cứu thêm" – Fauci nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại