Theo Medical Xpress, kết quả ghi nhận sự suy giảm giảm ít nhất 15% sau mỗi 30 ngày đối với mức kháng thể trung hòa chống Covid-19 trong mẫu máu của những người đã nhận được vắc-xin Covid-19 mũi tăng cường. Vắc-xin họ được tiêm là vắc-xin "truyền thống", tức dựa trên chủng gốc, cũng là loại mà hầu hết chúng ta đã tiêm.
Vắc-xin Covid-19 thế hệ cũ (1 thành phần) sẽ giảm nhanh hiệu quả sau mỗi 30 ngày (Ảnh minh họa từ AA)
Dữ liệu này chỉ ra cụ thể lớp "áo giáp" đã thay đổi như thế nào theo thời gian sau khi bạn tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Kháng thể trung hòa giảm dần và cần tiêm nhắc lại sau một thời gian - điều đó đã được biết - nhưng cụ thể giảm như thế nào, độ bảo vệ còn bao nhiêu sau mỗi mốc tương ứng thì trước đó vẫn chưa rõ ràng.
Nghiên cứu được thực hiện trên 46 người là nhân viên y tế, được tiêm 3 liều vắc-xin ngừa Covid-19 mRNA (Pfizer hoặc Moderna), trong đó mũi cuối cùng được tiêm từ 1-9 tháng trước.
Sử dụng mô hình thống kê để tính toán sự thay đổi của kháng thể trung hòa theo thời gian, các nhà khoa học ước tính mức kháng thể trung hòa giảm gần 18% đối với chủng gốc, 19,5% đối với BA.1 Omicron, 18,4% đối với BA.2.12.1 và 19,6% đối với BA.4/BA.5 so với 30 ngày.
Điều này chỉ ra là không chỉ hiệu quả kém dần đối với các Omicron mang nhiều đột biến thoát miễn dịch, kháng thể trung hòa chống lại các chủng cũ cũng giảm.
Theo tiến sĩ John Evans, đồng tác giả, sự sụt giảm này ít hơn một chút ở những người đã từng mắc Covid-19 rồi khỏi bệnh, nhưng khác biệt được cho là "không có ý nghĩa thống kê".
Trong số các người được khảo sát, có 2 người đã bị mất gần như hoàn toàn các kháng thể trung hòa chống BA.5 sau chỉ 3 hoặc 4 tháng sau mũi 3.
Điều này một lần nữa cho thấy sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường - vốn đã phục hồi hoàn toàn khả năng miễn dịch ngay sau tiêm đối với những người được thử nghiệm. Tuy nhiên về lâu dài, yêu cầu cấp thiết phải cải tiến vắc-xin và tiêm tăng cường bằng vắc-xin hai thành phần - được cho là mang lại tác dụng bảo vệ mạnh và lâu dài hơn - là điều rõ ràng.