Các mẹ có bao giờ tự hỏi dù ngày nào cũng nhắc con đi học bài rất nhiều lần. Thế nhưng lũ trẻ vẫn chẳng có ý thức tự giác gì cả, thậm chí lại có thái độ chống đối nữa. Nếu như cha mẹ đang gặp trường hợp như thế, thì hãy xem lại cách nói chuyện của mình, bởi đấy có thể chính là nguyên nhân.
Mới đây các nhà khoa học từ Đại học Cardiff (Anh), đã phân tích cách 1.000 thiếu niên phản ứng với yêu cầu được đưa ra bởi những phụ nữ có giọng điệu khác nhau. Và họ nhận thấy rằng những đứa trẻ này sẵn sàng làm bài tập về nhà hơn, khi được nói chuyện một cách khích lệ.
Các tông giọng mang tính khích lệ được cho là mang đến cho trẻ "cảm giác được lựa chọn", dù bị bắt buộc phải làm gì đó. Điều này có thể giúp cha mẹ tìm được cách giúp con ngoan ngoãn nghe lời, ngay cả khi đứa trẻ đang trong giai đoạn khao khát được "tự do".
Tiến sĩ Netta Weinstein cũng cho biết thêm: "Nếu cha mẹ muốn trò chuyện được với con cái, thì điều quan trọng cần nhớ là hãy nói chuyện với con theo tông giọng khích lệ, ủng hộ. Thế nhưng nhiều khi cha mẹ không làm được điều này mỗi khi họ bị căng thẳng, mệt mỏi.
Các con sẽ cảm thấy được quan tâm, hạnh phúc cũng như cố gắng học tập ở trường hơn, khi bố mẹ và giáo viên nói chuyện khích lệ thay vì gây áp lực bằng giọng nói".
Các nhà khoa học cũng đã chia sẻ một bài viết trên tạp chí Tâm lý học phát triển rằng, cha mẹ thường thúc đẩy con cái hành động theo nhiều cách khác nhau. Trong đó việc khuyến khích con học hành là một "thách thức chung".
Thế nhưng hiện tại có rất ít nghiên cứu xem xét việc tông giọng có ảnh hưởng như nào đến việc tuân thủ, nghe lời.
Để làm rõ hơn về điều này, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích ở 486 bé trai và 514 bé gái trong độ tuổi từ 14 đến 15. Các bé sẽ được phân vào 2 nhóm để nghe những tin nhắn giống hệt nhau được nói bởi những phụ nữ đã có con.
Các tin nhắn có nội dung là: "Đến giờ đi học rồi", "Con sẽ đọc quyển sách này hôm nay" và "Con sẽ làm tốt nhiệm vụ này thôi". Các tông giọng được sử dụng là kiểm soát, khích lệ và trung tính.
Khi yêu cầu con cái làm điều gì đó, các mẹ hãy nói theo tông giọng khích lệ, ủng hộ (Ảnh minh họa).
"Kết quả này cho thấy giọng nói của chúng ta có ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào, và việc chọn đúng tông giọng để giao tiếp trong các cuộc trò chuyện là rất quan trọng", tiến sĩ Weinstein cho biết.
Các nhà khoa học cũng lên kế hoạch điều tra xem liệu giọng điệu có ảnh hưởng đến các phản ứng sinh lý như nhịp tim hay không? Và những tác động này có thể kéo dài bao lâu?
Nguồn: Dailymail