Một nhóm các nhà khoa học Pháp vừa thực hiện thành công nghiên cứu thú vị, chứng minh tính khả thi của việc huấn luyện kiến phát hiện bệnh ung thư trên người. Báo cáo cho thấy một số loài kiến nhất định có thể được đào tạo để phát hiện tế bào ung thư, với độ chính xác ngang ngửa một số động vật chuyên dụng khác, đơn cử như chó.
Chúng ta vẫn biết khả năng đánh hơi thượng thừa của chó được ứng dụng vào nhiều khía cạnh. Chó có thể lần dấu ma túy hay chất nổ, gần đây mũi chó còn tìm được đường vào ngành y tế, khi ngửi ra được cả ung thư, sốt rét hay COVID-19.
Tuy nhiên, việc đào tạo chó nghiệp vụ không mấy dễ dàng. Quá trình huấn luyện có thể kéo dài tới một năm khiến các nhà khoa học thử ứng dụng những động vật nhạy cảm khác, như chuột, ong mật hay châu chấu.
Trong nghiên cứu mới, giới nghiên cứu tìm tới loài kiến có pháp danh khoa học Formica fusca. Kiến có khả năng phát hiện một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volatile organic compound - VOC), cũng đã từng có nghiên cứu cho thấy một số loại ung thư tỏa ra một số VOC đặc trưng, đơn cử như như ung thư tuyến tiền liệt.
Một cá thể Formica fusca.
Bài thử nghiệm của các chuyên gia Pháp tập trung vào hai loại tế bào xuất hiện trên người bệnh ung thư vú, cả hai loại đều tỏa ra những VOC đặc trưng. Chỉ sau 3 khóa huấn luyện, các con kiến đã có thể phân biệt được tế bào ung thư với tế bào khỏe mạnh, với độ chính xác ngang ngửa với chó trong những thử nghiệm gần đây.
“Xét tới khả năng phát hiện [bệnh ung thư], có thể nói kiến tương đồng với chó - loài thiết bị dò sinh học được nghiên cứu chuyên sâu nhất”, nhóm nghiên cứu khẳng định trong báo cáo. “Ở một số khía cạnh nhất định, kiến còn vượt mặt chó bởi lẽ chúng cần thời gian huấn luyện ngắn (chỉ 3 tháng so với chó, vốn cần từ 6-12 tháng) và giảm thiểu chi phí đào tạo và duy trì. Bất cứ ai cũng có thể áp dụng các bước thực hiện nghiên cứu của chúng tôi”.
Dẫn nguồn những nghiên cứu huấn luyện kiến trước đây, các nhà khoa học đặt giả thuyết mỗi con kiến có thể phát hiện ung thư chính xác tới 9 lần trước khi nảy sinh lỗi. Điều này khiến việc sử dụng kiến trong phát hiện ung thư hiệu quả, bớt tốn kém hơn bất cứ loài vật nào khác.
Tuy nhiên, hoàn cảnh thế giới thực sẽ rất khác việt "đánh hơi" ung thư trong đĩa thí nghiệm.
“Từ đó, kiến đại diện cho một công cụ phát hiện ung thư nhanh chóng, hiệu quả, giá rẻ”, nghiên cứu kết luận . “Phương thức của chúng tôi có thể được ứng dụng với nhiều cách phát hiện mùi khác, bao gồm phát hiện chất gây nghiện, chất nổ, đồ ăn hỏng hay nhiều những loài bệnh khác (có thể kể đến sốt rét, nhiễm trùng hay tiểu đường)”.
Hiện nghiên cứu mới chỉ chứng minh được phương pháp sử dụng kiến trong phát hiện ung thư, vậy nên giới khoa học sẽ cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác trước khi chính thức ứng dụng kiến tại sân bay, bệnh viện. Một trong những việc phải làm là xác định được các VOC liên quan tới từng bệnh ung thư, đồng thời tìm được cách sử dụng kiến - loài vật nhỏ bé, khó kiểm soát - trong thế giới thực.
Theo CNRS