Những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn tới đau tim, đột quỵ (Ảnh: Alamy)
Trong cuộc sống, chúng ta khó có thể tránh khỏi những lúc tức giận. Đôi khi, bạn cảm giác cơn giận khiến bạn nóng bừng người. Thế nhưng, theo các nhà khoa học của Đại học Columbia (Mỹ), những lúc này, bạn hãy hít thở thật sâu và thư giãn cơ thể. Hãy kiềm chế cơn tức giận bởi cảm xúc tiêu cực ấy có thể "giết chết" bạn. Các nhà khoa học đã phát hiện, một khoảnh khắc tức giận cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng của các mạch máu và có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Tiến sĩ Daichi Shimbo, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy cảm xúc tức giận dù diễn ra trong thời gian ngắn vẫn có thể dẫn tới các rối loạn chức năng của mạch máu".
Nguyên nhân chính xác vì sao tức giận có thể dẫn tới những thay đổi này hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, tức giận có thể tạm thời phá hỏng khả năng giãn nở bình thường của mạch máu, từ đó có thể giảm tác dụng ngăn ngừa chứng xơ cứng động mạch - một yếu tố có thể dẫn tới đau tim và đột quỵ.
Mối liên hệ giữa tức giận và đau tim, đột quỵ
Để có được kết luận trên, các nhà khoa học đã lựa chọn 280 người khỏe mạnh với độ tuổi trung bình là 26 tham gia nghiên cứu. Nhóm người này được hướng dẫn thư giãn trong vòng 30 phút. Trong thời gian đó, họ không được phép nói chuyện, sử dụng điện thoại, đọc sách hay ngủ. Sau 30 phút, họ được đo huyết áp.
Sau đó, mỗi người sẽ được giao ngẫu nhiên 1 trong 4 nhiệm vụ kéo dài 8 phút. Các nhiệm vụ này bao gồm nhớ lại một kỷ niệm khiến họ tức giận, một khoảnh khắc lo lắng, đọc một loạt những câu nói khơi gợi cảm xúc buồn bã. Nhiệm vụ cuối cùng có tính chất trung tính về mặt cảm xúc: đếm liên tục đến 100.
Tiếp đó, các nhà khoa học sẽ đo huyết áp và độ giãn nở mạch máu của những người tham gia ở các thời điểm sau khi họ thực hiện xong nhiệm vụ 3 phút, 40 phút, 70 phút và 100 phút. Họ cũng được lấy máu để đánh giá sức khỏe của các tế bào.
Các nhà khoa học nhận thấy: "Những nhiệm vụ gợi lại các sự kiện trong quá khứ gây ra sự tức giận sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng giãn nở của mạch máu từ 0 đến 40 phút sau khi những người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Sau 40 phút, sự suy giảm này chấm dứt. Đối với những người thực hiện các nhiệm vụ khơi gợi sự lo lắng hoặc buồn bã, chúng tôi không nhận thấy sự thay đổi này".
Tuy nhiên, trong bản công bố của nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các nhà khoa học của Đại học Columbia thừa nhận nghiên cứu của họ có quy mô nhỏ. Chính vì thế, họ không chắc chắn rằng kết quả này "có thể áp dụng được cho người lớn tuổi mắc các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và đang sử dụng thuốc điều trị".
Thế nhưng, giáo sư Glenn Levin của Đại học Y dược Baylor (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Đồng thời, các trạng thái cảm xúc tiêu cực như tức giận, căng thẳng có thể dẫn tới các biến cố về tim mạch".
Vị giáo sư đã đưa ra ví dụ, sự buồn đau hoặc những cảm xúc tương tự có thể dẫn tới hội chứng trái tim tan vỡ (bệnh cơ tim Takotsubo). Hoặc các sự kiện như động đất, thậm chí việc một người hâm mộ xem một trận bóng đá gay cấn và dẫn tới căng thẳng có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim (đau tim) và rối loạn nhịp tim.
Tiến sĩ Ilan Shor Wittstein, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), lưu ý đối với những người đang sống chung với các tình trạng ảnh hưởng đến hệ tim mạch như huyết áp cao, nhịp tim bất thường hoặc cholesterol cao, những khoảnh khắc tức giận tột độ có thể khiến họ dễ bị đau tim đột ngột hơn.
Làm gì để kiểm soát cơn tức giận?
Để kiểm soát cơn tức giận, bạn có thể thử một số phương pháp sau:
- Hít thở sâu: Hít thở sâu và từ từ có thể giúp cơ thể bạn bớt căng thẳng và thư giãn hơn.
- Đếm ngược: Đếm ngược từ 10 (hoặc số lớn hơn) để tạo ra khoảng thời gian cho bạn tự kiểm soát cảm xúc trước khi phản ứng.
- Thay đổi môi trường: Nếu có thể, hãy rời khỏi nơi và tình huống đang khiến bạn phải tức giận để có thời gian bình tĩnh lại và để chăm sóc chính bản thân mình. Ví dụ, nếu bạn tức giận vì nhà cửa bừa bộn, công việc không suôn sẻ, bạn có thể ra ngoài đi dạo hoặc đi mua sắm. Hãy làm những gì giúp cho cảm xúc của mình tích cực hơn và quay trở lại nhà, nơi làm việc sau khi kết thúc các hoạt động đó.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn: Tập yoga, thiền hoặc các kỹ thuật thư giãn khác có thể giúp bạn quản lý cảm xúc tốt hơn.
- Chia sẻ cảm xúc: Hãy chia sẻ cảm xúc của mình với một người mà bạn tin tưởng hoặc viết nhật ký. Điều này có thể giúp bạn kiểm soát được cảm xúc của mình.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia: Nếu cơn tức giận của bạn trở nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ một chuyên gia tâm lý.
Khi đã bình tĩnh trở lại, hãy tìm hiểu nguồn cơn dẫn tới cơn giận dữ của bạn, nhìn nhận lại vấn đề và tìm cách giải quyết. Đây là điều quan trọng để tránh được cảm xúc tiêu cực này trong những lần kế tiếp.