Một nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra rằng, nếu mỗi ngày, bố dành trung bình hơn 2 giờ mỗi ngày với con thì con sẽ có chỉ số IQ cao hơn so với những đứa trẻ khác. Các bé trai sẽ cứng cáp hơn, giống như những "người đàn ông nhí", còn các bé gái khi trưởng thành có khả năng tương tác tốt hơn với người khác giới.
Lập luận này không phải là không có lý!
Đầu tiên:
Việc cha dành nhiều thời gian cho con cái sẽ giúp phát hiện kịp thời những vấn đề trong quá trình trưởng thành của trẻ. Nhiều người cha, vì muốn gia đình có điều kiện sống tốt hơn, dư dả hơn nên tập trung ra ngoài làm việc và giao hết trách nhiệm giáo dục con cái cho vợ. Nhiều gia đình, không chỉ cha mà cả mẹ cũng bận rộn với công việc và giao con cho ông bà nội ngoại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến con.
Vì không trực tiếp tham gia vào quá trình dạy dỗ con nên khi có vấn đề xảy ra, các ông bố có xu hướng thiếu kiên nhẫn và dùng những biện pháp cứng rắn, thô bạo để phạt con. Kết quả là mối quan hệ cha con bị sứt mẻ, xa cách. Con cái nổi loạn hơn. Ngược lại, một người cha có thể dành hơn hai giờ mỗi ngày cho con mình có thể phát hiện ra những vấn đề của con kịp thời và có cách giải quyết phù hợp.
Bên cạnh đó, cha đồng hành, quan tâm con mỗi ngày cũng sẽ giúp con rèn luyện những thói quen tốt từ sớm. Nếu con có đột nhiên có thói xấu gì thì cũng phát hiện, uốn nắn được ngay.
Thứ hai:
Mối quan hệ cha con tốt đẹp sẽ khiến con tự tin, mạnh mẽ hơn. Sự tin tưởng, động viên của người cha dành cho con chính là nguồn động lực để con tiến về phía trước trong suốt cuộc đời. Vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái không thể thay thế được bởi mẹ hay ông bà. Cha là người đặt ra những quy tắc và là hình tượng chính để con cái nói theo.
Con cái thường sùng bái cha nhiều hơn và mong được cha thừa nhận. Trong quá trình tương tác với cha, con có thể học được các quy tắc là gì. Điều này rất quan trọng để trẻ học được cách tương tác xã hội.
Thứ ba:
Cha cũng giúp giúp con mở rộng trí tuệ và tinh thần. Khi ở cùng con, mẹ và con giao tiếp nhiều hơn qua ngôn ngữ, trong khi cha chủ yếu giao tiếp với con thông qua thể thao, trò chơi. Tầm quan trọng của người cha đối với sự trưởng thành của con cái nằm nhiều hơn ở việc hình thành cảm xúc, nhân cách cũng như hình thành tính tự nhận thức. Điều này có tác động tích cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
Chính vì vậy, bố dù bận rộn đến mấy cũng cần phải dành thời gian cho con cái. Hãy đặt điện thoại xuống và dành cho con nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, trong gia đình, hãy thiết lập một khoảng "thời gian chỉ dành cho bố". Chẳng hạn, bố và con cùng nhau trò chuyện riêng 10 phút về những thứ con đang quan tâm, thích thú, những ước mơ về nghề nghiệp của con; hoặc 20 phút bố và con cùng chơi trò chơi như cờ vua, xếp lego,... Dù chỉ là một khoảng thời gian không quá dài nhưng chắc chắn, bố sẽ dạy cho con được nhiều điều, mà tình cảm gia đình thì lại ngày một gắn bó hơn.