Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh, nơi chứa hồ sơ y tế và lối sống của 500.000 người, để tìm hiểu tình trạng võng mạc. Họ cũng kết hợp dữ liệu này với các yếu tố như tuổi tác, giới tính, huyết áp tâm thu, chỉ số khối cơ thể và tình trạng hút thuốc.
Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những người tham gia từng trải qua cơn đau tim, hoặc nhồi máu cơ tim, sau khi hình ảnh võng mạc của họ được thu thập.
Kết quả phân tích cho thấy có một cơ sở di truyền chung giữa kích thước mạch máu trong võng mạc và nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Ana Villaplana-Velasco, nghiên cứu sinh tại Viện Usher và Roslin tại Đại học Edinburgh (Anh), cho biết: “Đáng chú ý, chúng tôi phát hiện ra rằng mô hình phân tích của chúng tôi có thể phân loại tốt hơn những người có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim thấp hoặc cao khi so với các mô hình đã thiết lập trước đó, bao gồm dữ liệu nhân khẩu học”.
Độ tuổi trung bình đối với một cơn đau tim là 60. Nhóm nghiên cứu nhận thấy mô hình của họ đạt hiệu suất dự đoán tốt nhất hơn 5 năm trước khi cơn đau tim xảy ra. Họ cũng hy vọng, trong tương lai, một cuộc kiểm tra võng mạc đơn giản có thể cung cấp đầy đủ thông tin để xác định những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bà Villaplana-Velasco nói rằng: “Việc tính toán nguy cơ nhồi máu cơ tim ở những người trên 50 tuổi có vẻ phù hợp. Điều này sẽ cho phép các bác sĩ đề xuất các hành vi có thể làm giảm nguy cơ, chẳng hạn như từ bỏ hút thuốc và duy trì mức cholesterol, huyết áp bình thường”.
Nghiên cứu này sẽ được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Di truyền Châu Âu ở Vienna (thủ đô nước Áo) trong thời gian tới./.
Theo WebMD