Theo Đài RT ngày 14-12, một nghiên cứu được công bố tuần này trên tạp chí khoa học PLoS One chỉ ra hơi thở của con người cũng góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Các tác giả lập luận sự góp phần của hơi thở con người vào biến đổi khí hậu đã bị đánh giá thấp và cần được nghiên cứu thêm.
Cụ thể, sau khi đo thành phần khí trong hơi thở của 328 người tham gia nghiên cứu, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, hơi thở của con người chiếm 0,05% lượng khí thải mêtan (methane - CH 4 ) và 0,1% lượng khi nitơ oxit (nitrous oxide - N 2 O) của Vương quốc Anh.
Anh là nước đã đặt mục tiêu cắt giảm 78% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035, so với mức năm 1990.
Nghiên cứu cho rằng cả hai loại khí này "có tiềm năng gây ra sự nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với cacbon dioxit ( carbon dioxide - CO 2 )".
Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là nhà vật lý khí quyển Nicholas Cowan tại Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, lưu ý: "Chúng tôi khuyên nên thận trọng khi giả định rằng lượng khí thải từ con người là không đáng kể".
Ông Cowan giải thích trong khi "sự góp phần của khí CO 2 trong hơi thở của con người vào biến đổi khí hậu về cơ bản là bằng 0" vì thực vật hấp thụ gần như toàn bộ lượng khí này, thì 2 loại khí nói trên vẫn còn tồn tại trong khí quyển. Khí mêtan giữ lượng nhiệt gấp 80 lần so với CO 2 trong 20 năm đầu tiên tồn tại trong khí quyển.
Các tác giả cảnh báo nghiên cứu của họ chỉ xem xét hơi thở và kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về bức tranh tổng thể liên quan lượng khí thải của con người.
Theo Positron Science, Reuters