Nghiên cứu gây chấn động: Cá cũng có thể 'nghiện' ma túy đá

Minh Hạnh |

Trong bài báo được công bố ngày 6/7, các nhà nghiên cứu Cộng hòa Séc kết luận rằng dư lượng ma túy đá từ đường ống nước thải có thể gây nghiện ở cá.

Nghiên cứu gây chấn động: Cá cũng có thể nghiện ma túy đá - Ảnh 1.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã quan sát hai nhóm 60 con cá hồi nâu được nuôi trong các bể chứa riêng biệt suốt 8 tuần.

Một trong hai bể cá có nồng độ ma túy đá thường thấy ở sông suối, trong khi bể còn lại không có dư lượng ma túy. Ngoài ma túy, các điều kiện sống khác của cả hai môi trường đều giống hệt nhau.

Sau đó, các nhà nghiên cứu chuyển tất cả số cá hồi nói trên vào một bể nước ngọt chung. Lúc này, những con cá quen với ma túy có vẻ lờ đờ hơn so với nhóm còn lại. Điều này cho thấy chúng đang lo lắng, hoặc có các triệu chứng "thèm ma túy". Những khác biệt về hành vi kéo dài trong khoảng 96 giờ.

Các nhà khoa học cũng tạo ra một bể chứa cả nước tinh khiết và nước có ma túy. Những con cá quen với chất gây nghiện dường như bị thu hút đến khu vực có nồng độ ma túy cao, bất kể chúng nằm ở đâu trong bể. Theo nghiên cứu, đây là dấu hiệu cho thấy đàn cá "nghiện ngập".

Trưởng nhóm nghiên cứu Pavel Horky, nhà sinh thái học tại Đại học Khoa học Đời sống Cộng hòa Séc ở Praha, nói với báo chí rằng phát hiện của nhóm ông nêu bật một ví dụ điển hình về "áp lực đối với các loài sinh vật sống trong môi trường đô thị".

Các nhà máy xử lý nước thải hiện chưa thể loại bỏ dư lượng ma túy trong nước. Các chất gây nghiện theo đó sẽ đổ ra sông suối.

Ông Horky lưu ý rằng nồng độ ma túy đá trong hệ thống nước thải còn tương đối thấp, nhưng vẫn có thể có những tác động sâu sắc đến hệ sinh thái xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại