Phải đến năm 3 tuổi nhà vật lý thiên tài người Đức Albert Einstein (1879 - 1955) mới biết nói, nhưng đến năm 12 tuổi ông đã đang học các phép tính vi phân. Vậy câu hỏi đặt ra là, Einstein đã trở thành thiên tài như thế nào?
Albert Einstein.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã cố gắng tìm ra câu trả lời. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm 1999 được đăng tải trên tạp chí Lancet phân tích 14 bức ảnh bộ não của Einstein cho thấy 1 khu vực trong não của ông hoàn toàn trống, cho phép thùy đỉnh của ông (phần chứa 1 số khu vực quan trọng đối với việc xử lý ngôn ngữ) có thể chiếm nhiều không gian hơn. Những nghiên cứu khác về bộ não của nhà vật lý thiên tài này cho thấy nó lớn hơn đa số những người khác.
Nhà báo kỳ cựu Tatsha Robertson.
Nhưng cuốn sách mang tên "The Formula: Unlocking the Secrets to Raising Highly Successful Children" (Tạm dịch: Công thức hé mở các bí mật của việc nuôi dạy nên những đứa trẻ cực kỳ thành công) của 2 tác giả Tatsha Robertson (nhà báo từng đạt nhiều giải thưởng) và nhà kinh tế học nổi tiếng của Đại học Harvard Ronald F. Ferguson sẽ giải thích cho bạn các bậc phụ huynh của những đứa trẻ thành công đã đóng góp ra sao vào những thành tựu của chúng. Qua đây, chúng ta sẽ "vỡ vạc" được rất nhiều điều trong quá trình nuôi dạy con trẻ.
Công thức nuôi dạy con thành công
Trong suốt 15 năm nghiên cứu, nhà báo Robertson và nhà kinh tế học Ferguson đã phân tích 200 cá nhân trưởng thành đạt được nhiều thành tựu và cha mẹ của họ. Họ cũng nghiên cứu tuổi ấu thơ của những nhân vật nổi tiếng, từ Anne, Susan và Janet Wojcicki (được gọi là những chị em gái của Thung lũng Silico) cho tới Albert Einstein.
Nhà kinh tế học nổi tiếng của Đại học Harvard Ronald F. Ferguson.
Trong nghiên cứu này, 1 mẫu hình rõ ràng đã xuất hiện: Các phương pháp mà cha mẹ của những người thành công này áp dụng bắt đầu từ những giai đoạn đầu đời cho thấy những điểm tương đồng đáng kể mặc dù họ có xuất thân cũng như có cuộc sống rất khác nhau.
Chính kiểu mẫu tương đồng này sau đó đã được Robertson và Ferguson gọi là "Công thức" và bao gồm 8 vai trò: Người đồng hành trong học tập ở giai đoạn đầu đời, Công trình sư, Người sắp xếp, Người khai phá, Nhà triết học, Người làm gương, Người đàm phán, Người chỉ dẫn.
Như Robertson tiết lộ trong chương trình Make It của CNBC, bố mẹ của Einstein, bà Pauline và ông Hermann đã hoàn thành rất tốt cả 8 vai trò kể trên, và đặc biệt là xuất sắc trong 2 vai trò là Người đàm phán và Người khai phá.
Người đàm phán
Những người có kỹ năng đàm phán sẽ biết cách nuôi dưỡng và khuyến khích sự độc lập của con mình, và biết cách can thiệp khi cần.
Đối với những người đàm phán, họ không bao giờ lựa chọn cách từ bỏ. "Một khi họ đã đưa ra lựa chọn thì sẽ phải gắn bó với nó trong 1 khoảng thời gian nhất định và đây là quy tắc bất di bất dịch. Đứa trẻ không được phép làm trái với thỏa thuận", trích lời của Robertson và Ferguson. Bà Pauline - mẹ của Albert Einstein đã rất nghiêm khắc đối với quy tắc này.
Bà Pauline Einstein, người đóng góp phần lớn vào sự thành công của Albert Einstein.
Vào năm 1884, khi Eistein mới 5 tuổi, cũng như mọi cậu bé khác, cũng có những lúc nổi cơn thịnh nộ. Một hôm, cậu đã ném chiếc ghế vào thầy dạy violin. Nhưng thay vì mắng mỏ con hoặc bắt con bỏ học violin, thì bà Pauline đã quyết định thuê 1 gia sư mới.
Bà đã phát hiện ra từ rất sớm rằng, con trai mình thường gặp khó khăn trong việc tập trung, và vì bản thân bà cũng là 1 nghệ sĩ chơi piano nên bà hiểu rõ việc học 1 loại nhạc cụ rất có ích trong việc giúp đứa trẻ học được sự kỷ luật và tập trung. Gia sư mới tỏ ra khá hiệu quả và sự tập trung của cậu bé Einstein đã được cải thiện.
"Eistein đã chơi violin rất giỏi, và cuối cùng, nó đã trở thành đam mê suốt đời của ông. Thật ra, Einstein từng nói rằng một số ý tưởng tuyệt vời nhất về vật lý lý thuyết của ông tới vào những lúc ông đang chơi đàn violin. Chúng ta có thể sẽ không có Thuyết tương đối nếu bà Pauline không kiên định trong việc bắt con trai chơi violin", Ferguson nói trong chương trình Make It của CNBC.
Người khai phá
Người khai phá sẽ biết cách giới thiệu những ý tưởng và khả năng mới cho các con của mình - những điều mà chúng có thể học hỏi, những nơi chúng có thể đi, những người mà chúng có thể trở thành. Họ biết cách khuyến khích con trẻ kiên định trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề, và khi làm như vậy, bản thân đứa trẻ sẽ được nuôi dưỡng để trở nên "biết cách tò mò, biết cách tuân theo kỷ luật cũng như tự lực cánh sinh".
Mặc dù Einstein từng ghét việc đến trường, nhưng bố mẹ của ông biết rằng lý do không phải là vì Einstein có khiếm khuyết về mặt học tập, đơn giản là vì cậu bé không học được nhiều điều ở trường mà thôi. Giải pháp của họ là tạo ra một môi trường học tập đầy hấp dẫn và thú vị ở nhà, nơi họ cung cấp cho con trai mình những quyển sách và các món đồ chơi bổ trợ cho những điều mà cậu quan tâm.
Albert Einstein được nuôi dưỡng đam mê với khoa học ngay từ nhỏ.
Khi Einstein lớn hơn, sự tò mò trong ông đã được kích thích bởi những bữa trưa tại nhà vào ngày Thứ Năm, khi bố mẹ cho phép ông ngồi cùng bàn với các thành viên trong gia đình và những người bạn làm khoa học của họ. "Chú của ông sẽ ngồi cùng ở bàn ăn, đưa ra những câu hỏi khó nhằn về đại số cho Einstein. Mỗi khi trả lời đúng, Einstein sẽ lại huýt sáo để tỏ ra thích thú", Robertson cho biết.
Những buổi thảo luận vào giờ ăn trưa này cho phép Einstein tương tác với những người lớn, những người đưa ra cho cậu các ý tưởng và khái niệm mới trong toán học, khoa học và công nghệ.
Ferguson cho biết, có 1 thanh niên trẻ là gia sư dạy toán cho Einstein. Và đến năm Eistein được khoảng 12, 13 tuổi thì người gia sư này đã thừa nhận anh ta khó mà theo kịp được học trò của mình, vì các kỹ năng của Einstein khi đó đã vượt xa người gia sư.
Nuôi con là 1 nghệ thuật
Chăm sóc 1 đứa trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nuôi dưỡng chúng trở thành những con người thành công, thậm chí là thiên tài trong tương lai thì lại càng khó hơn. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của mình, Ferguson và Robertson đã phát hiện ra rằng, mọi đứa trẻ lớn lên thành công đều có những câu chuyện riêng trong cách chúng được nuôi dạy, nhưng "kịch bản" ấy đều có 1 điểm chung, đó là các em có những bậc cha mẹ biết đưa ra những lựa chọn chiến lược.
Einstein được nuôi dạy với sự khiêm tốn, biết chấp nhận những thất bại của mình và điều đó đã tạo động lực cho ông khám phá những điều mà ông quan tâm và say mê. "Không phải là tôi đặc biệt thông minh, chỉ đơn giản là do tôi ở lại với vấn đề lâu hơn mà thôi", Einstein khẳng định.
Theo CNBC