Sinh con ra ai cũng mong con thông minh, giỏi giang, sau này "thành phượng thành rồng". Để tăng chỉ số IQ cho con, nhiều phụ huynh chú trọng đầu tư giáo dục sớm từ lúc mới lọt lòng; đăng ký cho con trải nghiệm đủ lớp năng khiếu; không tiếc tiền mua đủ loại đồ chơi và sách giáo dục phát triển trí não.
Tuy nhiên, tại sao cùng sử dụng một phương pháp đào tạo, nhưng nhiều đứa trẻ lại không trưởng thành như mong đợi? Nhiều em thời thơ ấu đạt điểm xuất sắc cuối cùng vẫn không thành công. Thậm chí, không ít trong số đó sống thu mình, bi quan, tách biệt với mọi người.
Thực trạng này đặt ra câu hỏi, liệu có phải ngay từ xuất phát điểm, cách giáo dục của cha mẹ đã quá "thiên vị"? Họ đã quá tập trung vào IQ mà bỏ qua nhiều kỹ năng khác quan trọng không kém? Nghiên cứu 20 năm của Đại học Harvard sẽ cho các bậc cha mẹ câu trả lời.
Trẻ thông minh muốn thành công còn cần những đặc điểm khác (Ảnh minh họa)
Giáo sư John Carter của Harvard bắt đầu chú ý đến các khóa học MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Master of Business Administration) vào năm 1973, và phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ 20 năm sau.
Sinh viên MBA Harvard rất thành công, giàu có và có ảnh hưởng. Nhưng có một bộ phận thiểu số lại thành công phi thường, với thu nhập, tầm ảnh hưởng và chất lượng cuộc sống vượt trội hơn những người khác. Nhóm nhỏ này không thông minh hơn, cũng không được sinh ra trong điều kiện tốt hơn, chỉ có hai đặc điểm phân biệt họ với những người khác. Đó chính là sự TỰ TIN và TÒ MÒ.
Những người này tin vào bản thân, họ nghĩ rằng mình có thể làm tốt, mình có thể thành công. Họ thích đặt câu hỏi, có đầu óc cởi mở, muốn biết thêm về thế giới, là những người có khả năng và tâm thế học hỏi suốt đời.
1. Về sự tự tin
Bạn đã từng nghe về hiệu ứng Pygmalion (Self-fulfilling Prophecy) chưa? Hiểu đơn giản đây là hiệu ứng về "lời tiên đoán tự trở thành hiện thực", được xem như một bí quyết quan trọng trong quản lý nhân sự.
Nếu bạn tin rằng mình sẽ thành công, bạn sẽ nhận được những gợi ý tâm lý tích cực, trái tim bạn sẽ tràn đầy năng lượng, hành vi của bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ có động lực để học và làm mọi việc, và tất nhiên sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể làm được, dẫn tới không hành động thì về cơ bản bạn sẽ không đạt được mục tiêu.
Chúng ta đều biết các phát minh khoa học vĩ đại đều bắt nguồn từ khả năng và sự tự tin dám đưa ra quan điểm cá nhân của các nhà khoa học như Albert Einstein hay Thomas Edison. Những đứa trẻ có lòng tự tin biết rằng chúng có thể thất bại nhưng cũng có thể phục hồi. Tự tin đóng vai trò như chiếc chìa khóa cơ bản nhất để mở mọi cánh cửa trong thành công.
2. Về sự tò mò
Tò mò là một trong những bản chất quý giá nhất của con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tò mò có thể khơi dậy mạnh mẽ khả năng tìm kiếm tri thức và thúc đẩy sự sáng tạo. Trong thời đại nhiều biến đổi ngày nay, chỉ bằng cách không ngừng khám phá những kiến thức mới và những điều chưa biết, chúng ta mới có thể theo kịp tốc độ của thời đại và ở vị trí dẫn đầu.
Nếu bạn không có sự tò mò, bạn giống như một con ếch trong đáy giếng, chỉ mãi đứng yên. Vòng tròn phát triển của bạn ngày càng nhỏ, cơ hội ngày càng ít, và khoảng cách của bạn với thành công ngày càng xa.
Tại một diễn đàn về giáo dục năm 2010, Hiệu trưởng Harvard khi đó là bà Drew Gilpin Foster từng nói: "Chúng ta phải biết liệu một sinh viên học nhiều có sự sáng tạo hay không, liệu anh ta có tò mò và động lực mạnh mẽ để khám phá các lĩnh vực mới hay không; anh ta có mối quan tâm rộng rãi đến các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực chuyên ngành của mình hay không". Bà cho rằng, giáo dục trước tiên nên nuôi dưỡng tư duy độc lập và kích thích sự tò mò của trẻ. Chỉ những đứa trẻ luôn tò mò và muốn khám phá về mọi thứ mới có hứng thú học tập.
Làm thế nào để xây dựng tính tự tin và tò mò của trẻ?
1. Xây dựng sự tự tin của con bạn
Trẻ em sinh ra đã có sự tự tin, nhưng trong quá trình lớn lên, chúng rất dễ bị những cách giáo dục sai lầm của người lớn phá hủy. Muốn tạo cho trẻ sự tự tin, chúng ta cần dành thời gian vun đắp.
Cho trẻ biết điểm mạnh của mình: Mỗi đứa trẻ đều có những nét tính cách riêng, nhìn chung sẽ không hoàn hảo nhưng chúng luôn có thể tìm ra ưu điểm của mình. Cần giúp trẻ liệt kê những điểm mạnh, những việc có ý nghĩa mà trẻ đã làm được. Thường xuyên nhắc nhở, khẳng định để tạo tâm lý tích cực cho trẻ: Con giỏi ở một mặt nào đó, con con có thể làm được. Đứa trẻ sẽ gieo vào lòng mình những hạt giống tự tin và loại bỏ những mầm mống mặc cảm nếu có.
Để trẻ tự làm mọi việc: Trẻ muốn tự mình làm nhiều thứ từ khi còn rất nhỏ, nhưng nếu cha mẹ sợ nguy hiểm mà cấm đoán thì trẻ sẽ mất tự tin. Cha mẹ vì thế hãy để trẻ có cơ hội thể hiện bản thân và cảm thấy mình có khả năng làm được trong một số việc phù hợp. Nếu lo lắng con gặp nguy hiểm, bạn có thể dạy con kỹ năng an toàn và để trẻ giải quyết vấn đề thay vì chỉ trốn tránh.
Môi trường yêu thương cho trẻ: Trẻ cảm thấy tự tin và an toàn khi được sống trong một môi trường yêu thương. Trẻ em biết rằng sự tồn tại của chúng có giá trị và quan trọng. Mọi câu hỏi của trẻ đều nhận được phản hồi tích cực, mọi hành vi được tôn trọng, thường xuyên được khuyến khích, khen ngợi, ôm ấp, trẻ sẽ tràn đầy hạnh phúc và tự tin.
Cách giáo dục tốt nhất cho một đứa trẻ là kích thích sự tự tin và tính tò mò của trẻ (Ảnh minh họa)
2. Bảo vệ tính tò mò của trẻ
Einstein từng nói: "Tôi không có tài năng thiên phú nào đặc biệt, chỉ có sự tò mò mạnh mẽ. Người luôn khao khát là người luôn tiến bộ". Trí tò mò của trẻ là vốn có nhưng cũng rất mong manh, nếu không được bảo vệ tốt có thể thui chột.
Hãy để trẻ tiếp xúc với những điều mới lạ để nhận ra vẻ đẹp của thế giới và tri thức vô hạn: Sở dĩ trẻ tò mò là vì những thứ quen thuộc với người lớn lại mới lạ đối với trẻ, nếu trẻ luôn được tiếp xúc với những lĩnh vực chưa biết thì trẻ sẽ có hứng thú mạnh mẽ.
Hãy để trẻ đọc nhiều, ra ngoài chơi, tham quan các phòng triển lãm, tham gia các hoạt động nhóm, tìm hiểu nhiều sở thích khác nhau. Liên tục nhận được sự kích thích mới, trẻ sẽ khám phá ra điều kỳ diệu của thế giới và tràn đầy khao khát khám phá.
Xem xét các câu hỏi của trẻ một cách nghiêm túc và đưa ra hướng dẫn mang tính khai sáng: Chúng ta đều biết rằng trẻ em có 100.000 câu hỏi tại sao. Đôi khi cha mẹ cho rằng những câu hỏi của trẻ quá ngây thơ hoặc nhàm chán và không thèm trả lời, điều này sẽ làm nản lòng sự nhiệt tình của trẻ.
Cách đúng là lắng nghe cẩn thận từng câu hỏi của trẻ và đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Nếu không biết chúng ta có thể cùng con tra cứu. Đồng thời, cũng cần có những "khoảng trống" mang tính hướng dẫn, không nói trực tiếp đáp án mà hướng dẫn trẻ suy nghĩ, nghiên cứu, để trẻ tự tìm ra đáp án.
Khuyến khích trẻ khám phá: Khi còn nhỏ, trẻ đặc biệt thích phá phách, chúng vẽ lên tường nhà, tháo xe đồ chơi, đập phá đồ đạc, thực ra trẻ chỉ đang khám phá vì tò mò mà thôi. Hãy khiển trách ít hơn và thấu hiểu trẻ nhiều hơn. Nếu trẻ phá phách, bạn có thể nhân cơ hội nói cho trẻ biết nguyên tắc của một số việc và hậu quả của hành động này, đồng thời hướng dẫn trẻ cách sửa sai.