Cà phê là loại đồ uống được rất nhiều người ưa chuộng. Chúng có nhiều lợi ích to lớn đối với sức khỏe nhưng cũng không nên lạm dụng để tránh các tác dụng phụ. Đặc biệt, cà phê có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe tim mạch, mỗi chúng ta nên nắm rõ để đảm bảo sức khỏe của chính mình.
Mối liên hệ giữa cà phê và tim mạch
Khi chúng ta tiêu thụ 1 lượng cà phê nhất định, cơ thể sẽ có những thay đổi khác nhau. Từ trước tới nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa cà phê và tim mạch. Họ nhận được nhiều kết quả đáng chú ý, gây bất ngờ cho chúng ta.
Theo Tiến sĩ Peter M. Kistler, chuyên gia rối loạn nhịp tim, đồng thời là giáo sư y khoa tại Đại học Melbourne và Đại học Monash, cà phê có tác dụng trung tính, không tác động quá xấu hoặc tốt lên tim mạch. Trong các nghiên cứu, Tiến sĩ đều theo dõi sức khỏe của nhiều người nhiều năm liền. Khi theo dõi 382.500 người trưởng thành, không mắc bệnh tim, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng người uống 2 - 3 tách cà phê mỗi ngày có khả năng mắc bệnh tim thấp. Những người có thói quen uống 1 tách cà phê mỗi ngày cũng có nguy cơ đột quỵ, tử vong vì bệnh tim thấp.
Cũng theo Tiến sĩ Peter M. Kistler, cà phê có hơn 100 thành phần hoạt tính sinh học. Có thể những hoạt chất này chính là thứ tác động tích cực tới tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể. Viện nghiên cứu ở Melbourne, Úc cũng khẳng định rằng uống cà phê hòa tan, cà phê xay và cà phê không có caffein được coi là lối sống lành mạnh.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng cà phê hàng ngày. Nếu như cơ thể nạp quá nhiều cà phê trong 1 thời gian ngắn, bạn dễ cảm thấy bồn chồn, hồi hộp, run tay chân. Ở mức độ mạnh hơn, cơ thể chúng ta có thể đối mặt với tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp… Những người có tiền sử mắc bệnh tim chỉ nên duy trì thói quen uống cà phê khoa học, không nên lạm dụng để tránh tác động xấu tới bệnh tật.
Chúng ta có thể duy trì thói quen uống cà phê mỗi ngày nhưng nên lắng nghe và theo dõi xem cơ thể cảm thấy ra sao. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, tim đập nhanh… sau khi sử dụng cà phê thì hãy chú ý nhiều hơn tới sức khỏe của mình.
Cách duy trì 1 trái tim khỏe
Để cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần bảo vệ trái tim khỏe. Chú ý tới chế độ ăn hàng ngày là điều quan trọng hàng đầu mà bạn cần lưu ý nếu muốn có 1 trái tim khỏe mạnh. Chúng ta nên tích cực ăn rau xanh, bổ sung các chất béo không bão hòa như các loại hạt, dầu thực vật…
Sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn có thể khiến bạn bị suy tim. Bởi vậy, cắt giảm muối trong khẩu phần ăn là điều bạn nên làm. Ngoài ra, giữ cân nặng hợp lý, tránh uống nhiều rượu bia, bỏ thuốc lá… cũng là điều chúng ta cần duy trì để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại, mỗi chúng ta đều đối mặt với căng thẳng, thậm chí là stress kéo dài. Đây là tác nhân gây hại cho sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe trái tim nói riêng. Bởi vậy, nếu muốn có 1 sức khỏe tốt, chúng ta cần duy trì 1 lối sống tích cực, rèn những thói quen lành mạnh. Khi tinh thần thoải mái và tích cực, chúng ta sẽ đón nhận nhiều thứ tốt đẹp, tránh gây áp lực lên cơ thể mình.
(Tổng hợp)