Các nhà nghiên cứu đã tập hợp dữ liệu y tế từ 724 người tham gia trên khắp thế giới và hỏi họ những câu hỏi chi tiết về cuộc sống của họ cứ 2 năm một lần. Trái lại với những gì bạn nghĩ, điều khiến bạn thấy hạnh phúc không phải là thành tựu trong sự nghiệp, cũng không phải là tiền bạc, một chế độ ăn uống lành mạnh hay việc tập thể dục.
Kết quả mà các nhà khoa học tìm ra sau 85 năm nghiên cứu lại cho thấy, các mối quan hệ tốt đẹp mới chính là điều giúp chúng ta hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công hơn cũng như giúp chúng ta sống lâu hơn.
Chìa khóa số 1 mở ra cuộc sống hạnh phúc: Sức khỏe xã hội
Các mối quan hệ ảnh hưởng đến chúng ta về mặt thể chất. Bạn có từng nhận ra mình đã hào hứng thế nào khi tin rằng đối phương đã thật sự thấu hiểu bạn trong một cuộc đối thoại chưa? Hoặc bạn đã từng mất ngủ khi chuyện yêu đương không theo ý mình?
Các mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn. (Ảnh minh họa)
Để đảm bảo các mối quan hệ của bạn là lành mạnh và cân bằng, việc luyện tập khả năng hòa nhập xã hội là rất quan trọng.
Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng một khi mình đã thiết lập được các mối quan hệ bạn bè hoặc các mối quan hệ yêu đương/vợ chồng thì ta không cần vun đắp chúng nữa. Thế nhưng, cuộc sống xã hội của chúng ta cũng giống như một cơ thể sống, nó cũng cần được luyện tập và chăm sóc.
Sức khỏe xã hội yêu cầu chúng ta phải nghĩ về các mối quan hệ của chúng ta và thành thật với chính bản thân mình xem chúng ta có đang dành thời gian hay có chăm sóc cho những kết nối quan trọng hay không.
Làm sao để chăm sóc cho các mối quan hệ của mình?
Con người là những sinh vật mang tính xã hội. Mỗi chúng ta là một cá nhân và chúng ta không thể tự cung cấp mọi thứ cho chính mình. Chúng ta cần những người khác để tương tác và để họ giúp đỡ chúng ta. Trong cuộc sống của chúng ta cần 7 sự hỗ trợ quan trọng sau đây.
1. Sự an toàn: Bạn sẽ gọi cho ai nếu thức dậy giữa đêm và cảm thấy sợ hãi? Bạn sẽ tìm đến ai khi gặp khó khăn?
2. Học hỏi và phát triển: Ai là người khuyến khích bạn tìm hiểu những điều mới lạ, thử các cơ hội hay theo đuổi các mục tiêu trong đời?
3. Sự thổ lộ, gần gũi về mặt cảm xúc: Ai biết được mọi thứ (hoặc nhiều nhất) về bạn? Bạn sẽ gọi cho ai khi thấy buồn và ai là người mà bạn sẽ thành thật nhất về cảm xúc?
4. Chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt bạn: Trong cuộc sống có ai chia sẻ nhiều kinh nghiệm và giúp bạn hiểu được mình là ai không?
(Ảnh minh họa)
5. Tình cảm yêu đương: Bạn có cảm thấy thỏa mãn với đời sống tình cảm yêu đương của mình không?
6. Khi gặp khó khăn: Bạn sẽ tìm đến ai nếu cần lời khuyên về chuyên môn hay giúp đỡ bạn giải quyết một vấn đề nào đó?
7. Sự vui tươi, thư giãn: Ai khiến bạn cười? Bạn sẽ gọi cho ai để rủ đi xem phim hoặc tham gia một chuyến du lịch, người bạn cảm thấy có sự đồng điệu và có chung sở thích?
Bạn có thể lập bảng về những mối quan hệ hiện tại của mình và xem mình có nhận được những sự trợ giúp bên trên hay không. Đây là một công cụ giúp bạn nhìn được sâu bên dưới bề mặt một xã hội mà bạn đang sống và từ đó biết cách chăm sóc tốt cho các mối quan hệ hiện tại của mình.
Có thể bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều người bạn có thể đi chơi cùng nhưng bạn lại không thể thổ lộ tâm tư với họ. Hoặc bạn chỉ có 1 người để tìm đến nhờ sự giúp đỡ, đó cũng là người mà bạn luôn coi sự giúp đỡ của họ là ngẫu nhiên, người sẽ khiến bạn cảm thấy an toàn...
Đừng e ngại việc dành thời gian cho những người mà bạn yêu quý. Cho dù là một câu hỏi thăm thật lòng hay sự quan tâm, chú ý, không bao giờ là quá muộn để làm sâu sắc những kết nối quan trọng trong cuộc sống của bạn.
-----------------------------
Robert Waldinger - Người đứng đầu cuộc nghiên cứu của ĐH Harvard.
Những người đã đóng góp cho bài viết là Robert Waldinger và Marc Shulz. Robert Waldinger là giáo sư tâm lý học tại Trường Y - Đại học Harvard. Ông là người đứng đầu Nghiên cứu về Sự phát triển của con người của ĐH Harvard cũng như là giám đốc của Liệu pháp Tâm động học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Ông hiện đang là nhà tâm lý học, cũng là chuyên gia về thiền và tác giả cuốn "The Good Life" (Tạm dịch Cuộc sống Tươi đẹp).
Tiến sĩ Marc Shulz.
Còn Tiến sĩ Marc Shulz là Phó giám đốc của Nghiên cứu về Sự phát triển của con người của ĐH Harvard, và là một nhà trị liệu được đào tạo về tâm lý học lâm sàng và y tế sau tiến sĩ tại trường Y Harvard. Ông cũng là tác giả của cuốn "The Good Life" (Tạm dịch Cuộc sống Tươi đẹp).
Theo CNBC