Vì sao người trẻ ngày nay đã sớm bị "đổ bệnh"?
Có rất nhiều người luôn đặt ra câu hỏi, không hiểu tại sao bây giờ người trẻ lại ốm yếu bệnh tật sớm hơn nhiều so với trước đây. Tại sao nhiều người còn rất trẻ đã mắc bệnh, thậm chí là các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo? Điều bạn băn khoăn đó, hiện đã trở thành một "vấn nạn" mà nhiều người đã phải khóc thầm.
Trong một cuốn hồi ký của một người trẻ may mắn sống sót sau cơn bạo bệnh từng viết rằng: "Chúng ta đã lãng phí sức khỏe của mình, để đổi lấy sự giàu có hơn về vật chất, phục vụ ham muốn của bản thân, nhưng sau đó lại lãng phí tiền bạc của mình để đi khắc phục những mất mát của sức khỏe mà chúng ta đã gây ra".
Câu nói này là thông điệp gửi đến cho nhiều người về thái độ sống, đặc biệt là những người ở thành phố lớn, họ đã vô cùng nỗ lực để làm việc, cố gắng để sống thật tốt, nhưng lại quên đi hoặc coi nhẹ sức khỏe của mình, đôi khi chỉ đơn giản là những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống hay thói quen sống lành mạnh hàng ngày.
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khiến cho sức khỏe của những người trẻ mau chóng xuống cấp đó chính là áp dụng chế độ ăn kiêng để giảm béo một cách tùy tiện, phản khoa học;
Ham mê chơi trò chơi điện tử (game) thâu đêm thường xuyên, thức đêm làm thêm, hoặc thậm chí có thể không phải do làm thêm;
Làm đẹp đầu tóc, móng tay chân hay phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi dung mạo, nhan sắc… Tất cả những việc này vô tình gây hại cho sức khỏe, trong thời gian dài, chúng ta đã tự đánh mất nét thanh xuân và sức trẻ của mình.
Điều đó, các chuyên gia sức khỏe nói rằng, giống như bạn đã viết những tấm phiếu chi "sức khỏe" của mình, tiêu hết quá nhiều đi rồi thì không còn "vốn" nữa.
Những nguyên nhân khiến người trẻ "phí sức" mà bạn cần phải nghiêm túc xem lại
1. Ăn kiêng phản khoa học, không trừ một "thủ đoạn" nào
Lời nói nghe thì có vẻ hơi nặng nề, nhưng thực tế, nhiều người ăn kiêng để giảm cân sai phương pháp đã để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Giảm cân luôn đòi hỏi phương pháp khoa học, không thể và không được phép áp dụng những biện pháp phản khoa học một cách mù quáng, thiếu sự cân nhắc.
Nếu một người nào đó mù quáng ăn kiêng để giảm cân, cơ thể không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, nó sẽ ảnh hưởng đến các chức năng vận hành của các cơ quan bên trong, gây bất lợi lớn cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, nếu cơ thể bạn luôn luôn ở trong trạng thái bị bỏ đói, nó có thể dẫn đến một hệ lụy là thèm ăn một cách không cưỡng lại được. Khi bạn dừng chế độ ăn kiêng, ngay lập tức bạn sẽ ăn nhiều để "bù đắp" những ngày "chết đói chết khát" và ăn rất nhiều. Lúc đó, cơ thể sẽ có nhu cầu cao về ăn uống và hấp thụ, khiến cho bạn tăng cân trở lại.
Bạn sẽ rơi vào vòng xoáy "nhịn ăn – ăn bù – cơ thể tăng cân – rồi lại ăn kiêng" và kéo dài cái vòng luẩn quẩn này lặp đi lặp lại.
2. Dành quá nhiều thời gian và năng lượng vào việc chơi game
Bạn có thể không để ý rằng, đây là một trong những thói quen thiếu lành mạnh gây hại cho sức khỏe, làm rút ngắn tuổi trẻ và phiền phức cho tuổi già của chính mình.
Khi mắt nhìn chằm chằm vào điện thoại hay máy tính, thiết bị điện tử để chơi game, làm cho đôi mắt trở nên khô, đau, qua thời gian có thể ảnh hưởng đến thị lực.
Ngoài ra, nếu ít vận động và không tham gia thường xuyên vào các hoạt động tập thể dục, thể thao, sẽ dẫn đến việc cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, xuất hiện hiện tượng chóng mặt. Không những thế, ngồi nhiều ít vận động còn gây ra các bệnh nguy hiểm như bệnh béo phì và bệnh tim mạch.
Theo khảo sát lâm sàng cho thấy, các bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng phổ biến trước đây chỉ có ở người già, thì nay đã xuất hiện nhiều ở người trẻ như huyết áp cao, mỡ máu cao, và các bệnh khác đang "tấn công" mạnh mẽ vào nhóm người trẻ tuổi.
3. Thức đêm làm thêm hoặc thức quá khuya với nhiều lý do
Có những người, để có được những thành công trong công việc, họ phải nỗ lực hết mình, trong đó phải thức đêm để làm việc khi thời gian 8 tiếng trong ngày đối với họ là không đủ.
Có rất nhiều người làm nghề kinh doanh buôn bán cũng như vậy, họ làm việc suốt ngày đêm. Điều này đã ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, thói quen ngủ nghỉ không có giờ giấc hoặc sai lệch quá nhiều so với nhịp sinh học sẽ khiến cho cơ thể không có điều kiện để hồi phục lại những năng lượng đã mất, không có cơ hội để sửa đổi những hỏng hóc phát sinh hàng ngày, lâu dần sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, gây ra các rối loạn nội tiết...
Đó cũng là nguyên nhân gây ra các rối loạn môi trường bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến gan, hệ tiêu hóa, tim, thận và các chức năng khác.
4. Lạm dụng trang điểm, làm tóc, làm móng, thẩm mỹ
Chúng ta đều biết rằng, có một ngoại hình nổi bật sẽ thu hút được sự chú ý. Điều này không có gì sai, nhưng khái niệm như thế nào là "nổi bật, thu hút" không phải ai cũng hiểu đúng và áp dụng đúng vào chính cơ thể mình.
Có rất nhiều cô gái trẻ nghĩ rằng, họ sẽ trở nên sành điệu hơn nếu trang điểm, làm móng hay có một mái tóc cầu kỳ. Điều này khiến cho họ rất thích lui tới các cửa hiệu làm tóc, làm móng.
Không những thế, mỗi lần họ đi ra ngoài đều phải trải qua một khoảng thời gian dài dành cho việc trang điểm, tân trang hình thức bề ngoài.
Theo các chuyên gia, việc làm đẹp và yêu cái đẹp vốn không có gì sai, nhưng nếu quá lạm dụng việc làm tóc, trang điểm, sơn móng tay… sẽ vô tình khiến cơ thể tiếp xúc với quá nhiều mỹ phẩm và hóa chất, lâu ngày có thể khiến cho những chất độc hại nhiễm sâu vào bên trong cơ thể, độc tố tích lũy ngày càng nhiều, là một nguy cơ lớn mà cơ thể phải gánh chịu, rất nguy hiểm.
5. Đi giày cao gót quá thường xuyên
Nhiều chị em phụ nữ có thói quen đi giày cao gót tới công sở, họ đi thường xuyên liên tục trong thời gian dài. Mặc dù đi giày cao gót sẽ giúp bạn có được vóc dáng thanh thoát, cảm giác tự tin hơn, nhưng ngược lại, giày cao gót có thể gây hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, giày cao góp có thể đe dọa sức khỏe xương khớp, nếu đi thường xuyên với tần suất cao, có thể khiến cho vùng khớp và xương chân bị biến dạng, cơ bắp vùng cẳng chân dưới bị teo nhỏ và những tác hại khác.
6. Đi chơi đêm, tiệc tùng khuya
Trong xã hội ngày nay, có một sự khác biệt lớn so với trước đây là mọi người đã có thói quen thức đêm để đi chơi, tham gia tiệc tùng, hội hè ở những nơi đông vui nhộn nhịp, quán rượu.
Mặc dù xã hội thay đổi, con người cần tăng cường giao lưu bên ngoài, nhưng khi bạn đã phải bỏ ra cả ngày để làm việc chăm chỉ, vất vả, buổi tối bạn lại dồn sức để đi chơi đêm với bạn bè, đồng nghiệp để "thư giãn" thì vô tình đã làm cho cơ thể phải chịu đứng áp lực gấp đôi.
Việc đi chơi đêm ở những tụ điểm đông người, quán rượu hay quán hát quá thường xuyên có thể khiến bạn bị suy giảm thể chất, một dạng "cho vay" sức khỏe mà không thể lấy lại được, từ đó gây suy nhược tinh thần, thậm chí có thể gây căng thẳng, trầm cảm, các vấn đề về thần kinh.
Cuộc sống sẽ luôn luôn phải tiếp tục, và bạn dù có bận rộn và "ham vui" cỡ nào, cũng nên biết yêu lấy cơ thể mình. Bởi vì tuổi trẻ không phải là tài sản của bạn, mà sức khỏe mới chính là "vốn liếng" của bạn.
Không những thế, tuổi trẻ cũng không phải là một thứ bạn đáng đưa ra dùng để "khoe khoang" hay khoa trương sức mạnh, mà sức khỏe mới là điều giúp bạn thực hiện được hoài bão của mình.
Phải duy trì được lối sống lành mạnh, khoa học, vì khi đối mặt với bệnh tật và cái chết, tuổi trẻ cũng không thể giúp ích gì cho bạn cả.
*Theo Health/People