Nghịch lý Trung Quốc muốn mang xe điện đến ‘xứ vàng đen’: Thị trường chưa từng được khai thác, Porsche, Lamborghini vẫn là ‘vua’

Vũ Anh |

Các công ty Trung Quốc phải đối mặt với loạt thách thức, từ đặc trưng nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, nhận thức người dân đến cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu khan hiếm.

Nghịch lý Trung Quốc muốn mang xe điện đến ‘xứ vàng đen’: Thị trường chưa từng được khai thác, Porsche, Lamborghini vẫn là ‘vua’ - Ảnh 1.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang phải đối mặt với một trong những thách thức lớn: thuyết phục người dân khu vực Trung Đông chuyển sang sử dụng ô tô chạy điện. Bài toán được đặt ra trong bối cảnh nhu cầu xe điện trong nước chậm lại, mức thuế nhập khẩu gia tăng đáng kể tại Mỹ trong khi Liên minh châu Âu thăm dò các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ. Trên khắp 6 quốc gia vùng Vịnh, ô tô điện hiện chỉ chiếm 0,4% thị trường xe chở khách.

Động lực thôi thúc một số nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất của Trung Quốc, trong đó, Chery Automobile đang lên kế hoạch tung ra ít nhất 2 mẫu xe hybrid hoặc xe điện mới. Thương hiệu Zeekr cao cấp của Xpeng và Geely cũng bắt đầu bán hàng tại Israel, đồng thời lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động.

Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng sự hiện diện của các công ty Trung Quốc phải đối mặt với một loạt thách thức, từ đặc trưng nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, nhận thức người dân về xe điện chưa cao đến cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu khan hiếm.

“Xe điện vẫn chưa sẵn sàng ở nhiều nơi. Về mặt ý tưởng thì nó rất tuyệt nhưng tốc độ tăng trưởng ở đây chậm lắm”, Ahmad Firoozi, giám đốc tiếp thị của nhà phân phối Qatari Nasser Bin Khaled Automobiles, nói.

Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất dầu hàng đầu Trung Đông đang tham vọng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - thứ vốn được cho là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và chuyển sang công nghệ xanh. UAE dự tính đầu tư 55 tỷ USD vào năm 2030 nhằm hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi chiến lược năng lượng; cam kết xe điện và ô tô hybrid sẽ chiếm hơn 50% tổng số xe quốc gia vào năm 2050, tăng rất nhiều từ mức 4% hiện nay.

Ả Rập Xê-Út đã bật đèn xanh cho Ceer - thương hiệu xe điện nội địa dự kiến ​​bắt đầu bán ô tô vào năm 2025. Khu vực này cũng vừa ký một thỏa thuận trị giá 5,6 tỷ USD với các công ty cao cấp Trung Quốc, đồng thời mua 7% cổ phần hãng Nio của Trung Quốc.

Các thương hiệu Trung Quốc chiếm 16% trong tổng số 616.500 xe mới được bán ra ở Ả Rập Xê-Út vào năm ngoái. Quốc gia vùng Vịnh này cũng từng là nước nhập khẩu ô tô Trung Quốc lớn thứ hai thế giới vào năm 2022, chỉ sau Mexico. Theo các phương tiện truyền thông tại địa phương, các thương hiệu như MG đang chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng nhanh chóng.

BYD đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán xe điện tại Israel. Trong số khoảng 16.000 chiếc xe điện nhập khẩu từ nước ngoài vào Zarqa nửa đầu năm 2023, khoảng 80% được sản xuất tại Trung Quốc.

Các công ty ô tô được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Trung Đông. Việc khu vực này trở thành triển vọng đầu tư hấp dẫn có thể giúp các công ty Trung Quốc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mới tiềm năng, thậm chí tránh được các quy định nhập khẩu thắt chặt.

Theo Hesham Amer - nhà phân phối có trụ sở tại UAE, một số khách hàng giờ đây coi xe Trung Quốc ngang bằng xe Đức, Mỹ hay Nhật Bản. Tiết kiệm nhiên liệu cũng đang bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi cho xe điện.

Nghịch lý Trung Quốc muốn mang xe điện đến ‘xứ vàng đen’: Thị trường chưa từng được khai thác, Porsche, Lamborghini vẫn là ‘vua’ - Ảnh 3.

Trung Quốc muốn mang xe điện đến ‘xứ vàng đen’

Mặc dù việc sở hữu một chiếc xe ngốn xăng còn tương đối rẻ, song xe điện vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan về mặt tài chính. Theo Amer, tại UAE, nơi chính phủ đặt giá xăng cao hơn ở mức 3,43 USD/gallon, chi phí đổ đầy một chiếc xe thể thao đa dụng cỡ nhỏ khoảng 50 USD, trong khi việc sạc đầy một chiếc EV cỡ tương tự chỉ mất 10 USD.

“Trung Đông có lẽ là nơi hứa hẹn nhất đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc”, Yale Zhang, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Autoforesight có trụ sở tại Thượng Hải, nói và cho biết các công ty Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu mối lo ngại về việc liệu những chiếc ô tô sản xuất tại đây có thể chịu được điều kiện thời tiết và địa hình khắc nghiệt hay không.

Peter Matkin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển Chery, cho biết thương hiệu này đang kiểm tra độ bền của ô tô bằng cách để chúng bên ngoài cả ngày suốt mùa hè để xem xét tác động từ môi trường. Một số phương tiện không được thiết kế dành riêng cho Trung Đông sẽ phát ra tiếng động lạ nếu đỗ ở bên ngoài quá lâu.

Mùa hè ở Doha, nơi nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C, thời gian cần thiết để sạc xe điện từ bộ sạc thương mại 50 kilowatt sẽ tăng lên tới 2 tiếng rưỡi so với mức thông thường từ 40 đến 45 phút, theo Sertac Bayhan, nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường Qatar. Nhiệt độ cao, cùng với việc phải chạy điều hòa liên tục, đồng nghĩa với việc pin sẽ cạn kiệt nhanh hơn. Quãng đường 350 km một chiếc xe điện đi được vào mùa đông đã giảm xuống chỉ còn 200 km vào mùa hè. Pin cũng xuống cấp nhanh hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng sạc còn thưa thớt ở nhiều quốc gia Trung Đông. UAE hiện chỉ có ít hơn 900 trạm sạc dù trước đó cam kết lắp đặt 30.000 trạm vào cuối năm 2050.

Tại Triển lãm ô tô quốc tế Geneva diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Doha, các gian hàng cho các thương hiệu Trung Quốc như Chery và Lynk & thu hút nhiều sự quan tâm, song đám đông lớn nhất vẫn đổ xô đến những tên tuổi truyền thống như Porsche và Lamborghini. Đại lý Mercedes-Benz đã ra mắt ít nhất 3 mẫu xe điện tại triển lãm Doha và Selvin Govender, người đứng đầu bộ phận tiếp thị và bán hàng của công ty cho biết có rất nhiều sự quan tâm của khách hàng.

Như vậy, sự tò mò của một bộ phận người tiêu dùng đối với xe điện Trung Quốc sẽ cần thời gian để có thể chuyển đổi thành doanh số bán hàng thực tế.

Theo: Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại