Ảnh: Foreign Policy
"Cỗ máy chiến tranh" Nga chạy bằng linh kiện phương Tây
Tại thành phố Izhevsk của Nga, nơi đặt nhà máy sản xuất súng trường Kalashnikov, các trung tâm mua sắm đang được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất máy bay không người lái. Các nhà sản xuất vũ khí đã được kêu gọi làm việc suốt ngày đêm để cung cấp cho "cỗ máy chiến tranh" của Nga.
Theo truyền thông địa phương, các công ty quốc phòng đã mua ít nhất 3 trung tâm mua sắm ở Izhevsk để tái sử dụng cho mục đích sản xuất máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái tấn công Lancet mà Bộ Quốc phòng Anh mô tả là một trong những vũ khí mới hiệu quả nhất mà Nga đưa ra chiến trường năm ngoái. Lancet, có chi phí sản xuất khoảng 35.000 USD, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tấn công của quân đội Nga.
Giống như nhiều hệ thống vũ khí của Nga, Lancet được trang bị đầy đủ các thành phần của phương Tây. Một phân tích hình ảnh của máy bay không người lái được Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS) có trụ sở tại Washington công bố vào tháng 12/2023 cho thấy chúng chứa một số bộ phận từ các nhà sản xuất Mỹ, Thụy Sĩ và Séc, bao gồm các thành phần phân tích và xử lý hình ảnh đóng vai trò then chốt cho phép máy bay không người lái tiếp cận mục tiêu trên chiến trường.
Lancet không phải là UAV duy nhất được phát hiện có chứa các thành phần của phương Tây. Một phân tích riêng công bố vào tháng 11/2023 kết luận rằng hầu như tất cả các linh kiện điện tử trong máy bay không người lái Shahed-136 của Iran mà Nga hiện đang sản xuất với sự giúp đỡ của Iran để sử dụng ở Ukraine đều có nguồn gốc từ phương Tây.
Vũ khí phương Tây chống lại vũ khí phương Tây ở Ukraine
Khi Moscow khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước sản xuất lớn từ Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Á đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt mặt hàng được coi là quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nga.
Nga nhanh chóng trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới: Khoảng 16.000 người và công ty phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và lệnh kiểm soát xuất khẩu do liên minh 39 quốc gia áp đặt. Các hạn chế xuất khẩu dày đặc đến nỗi kính râm, kính áp tròng và răng giả cũng nằm trong danh sách cấm.
Nhưng khi xung đột đã bước qua mốc thời điểm hai năm, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vẫn không ngăn được dòng thiết bị điện tử và máy móc tiên tiến tiến vào Nga.
Một điều tra của Nikkei Asia cho thấy xuất khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) sang Nga đã tăng gấp 10 lần ngay sau khi xung đột nổ ra - phần lớn trong số đó là từ các nhà sản xuất Mỹ.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu mật của cơ quan hải quan Nga mà Bloomberg thu được, hơn 1 tỷ USD mặt hàng bán dẫn tiên tiến từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đã được đưa vào nước này vào năm ngoái. Một báo cáo gần đây của Trường Kinh tế Kiev cho thấy nhập khẩu các linh kiện được coi là quan trọng cho chiến trường chỉ giảm 10% trong 10 tháng đầu năm 2023, so với mức trước xung đột Ukraine.
Báo cáo lưu ý rằng điều này đã tạo ra tình trạng mà trong đó, quân đội Ukraine chiến đấu bằng vũ khí của phương Tây chống lại kho vũ khí của Nga cũng sử dụng các linh kiện của phương Tây.
Đầu cuộc chiến, Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) đã phân tích 27 hệ thống quân sự của Nga, bao gồm tên lửa hành trình, tổ hợp tác chiến điện tử và hệ thống thông tin liên lạc, và phát hiện ra rằng chúng chứa ít nhất 450 linh kiện do nước ngoài sản xuất, cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào hàng nhập khẩu.
Một trong những cách thức chính mà Nga né tránh sự kiểm soát xuất khẩu của phương Tây là thông qua việc trung chuyển qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô cũ.
Bloomberg đưa tin vào tháng 11 năm ngoái rằng trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng của phương Tây, UAE đã đồng ý hạn chế xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm sang Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xem xét động thái tương tự. Các quan chức Kazakhstan đã công bố lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng chiến trường sang Nga vào tháng 10/2023.
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn thường trải dài trên nhiều quốc gia, với chip được thiết kế ở một quốc gia và sản xuất ở quốc gia khác trước khi được bán cho hàng loạt nhà phân phối hạ nguồn trên khắp thế giới. Điều đó gây khó khăn cho các công ty trong việc xác định người dùng cuối cùng của sản phẩm của họ.
Trong khi liên minh gồm 39 quốc gia, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến lớn trên thế giới, áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Nga, thì phần lớn phần còn lại của thế giới vẫn tiếp tục giao thương tự do với Moscow.
Khả năng của Nga trong việc thách thức những hạn chế này không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc chiến ở Ukraine mà cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về thách thức phía trước đối với Trung Quốc - tờ Foreign Policy bình luận.