Ảnh minh họa. Nguồn: Daily Express
Vụ ám sát rúng động: Tín hiệu cảnh cáo và lời hứa hẹn
Trong mắt các quan chức an ninh quốc gia Israel, vụ ám sát ông Fakhrizadeh có thể được cho vào danh sách các sự kiện quan trọng năm 2020 trong chuỗi đối đầu giữa Iran với phương Tây, Israel và các quốc gia Ả Rập dòng Sunni.
Các sự kiện tiêu biểu có thể kể đến trước đó là vụ ám sát chỉ huy lực lượng Quds [Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran – IRGC] Qasem Soleimani hồi tháng 1 năm nay và vụ phá hủy cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran tại Natanz trong tháng 7.
Mặc dù cả 3 sự kiện trên đều có thể dẫn tới một bước leo thang thành chiến tranh khu vực nhưng theo JPost, tất cả dấu hiệu đến nay đều cho thấy chúng được tiến hành để giảm nhẹ nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh như thế.
Tehran đã chơi một trò chơi nguy hiểm trong năm 2019 và 2020. Từ chối để lộ điểm yếu trước chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Iran đã rút ngắn thời gian sản xuất vật liệu phân hạch cho bom hạt nhân từ 12 tháng xuống còn 3-4 tháng.
Cho tới khi Tướng Soleimani bị sát hại và thậm chí sau đó, các thủ lĩnh của phái Hồi giáo Shia ở Iran đã tiến hành nhiều hành động quân sự chống lại Israel, Saudi Arabia, Mỹ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE) và một số đồng minh khác của những nước này.
Tất cả những điều đó được thực hiện nhằm duy trì cho 2 kế hoạch chủ lực của Iran diễn ra suôn sẻ: tiến tới ngưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Iran trên khắp Trung Đông.
Điểm cuối của 2 kế hoạch này sẽ đưa Iran trở thành lực lượng thống trị trong khu vực và tạo ra mối đe dọa trực diện lớn hơn đối với Israel trên nhiều mặt trận [như ở Syria, Lebanon và Gaza] bằng sức mạnh hạt nhân. Đây không phải là viễn cảnh mà Israel có thể chấp nhận được.
Iran công bố hình ảnh 4 nghi phạm trong vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh. Ảnh: Reuters
Tất nhiên, Iran có thể phản ứng một cách dữ dội trước vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Tuy nhiên, Israel đã sẵn sàng có các hành động quân sự tại Syria, Lebanon và Gaza để làm giảm nhẹ mối đe dọa.
Bên cạnh đó, theo một số báo cáo nước ngoài được JPost xác nhận, đôi lúc Israel hành động một mình nhưng đôi lúc sẽ phối hợp với Mỹ để thực hiện các hành động lớn nhằm cản trở các mục tiêu hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ngoài ra, Tel Aviv còn đứng trước áp lực phải phá hoại càng nhiều phần trong chương trình hạt nhân Iran càng tốt, trước khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ - Joe Biden – lên cầm quyền.
Một số nguồn tin nói với tờ JPost rằng, các quan chức an ninh quốc gia then chốt của Israel đang lo ngại rằng bàn tay của họ sẽ bị trói chặt hơn nữa dưới thời ông Biden, dù không ai biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra.
Vụ ám sát ông Fakhrizadeh có thể xem như một lời hứa hẹn rằng các cuộc tấn công liều lĩnh và tinh vi nhằm chống lại Iran vẫn sẽ được tiếp tục, bất chấp việc ông Biden lên làm Tổng thống Mỹ.
Israel chơi trò chơi nguy hiểm nhưng...
Theo JPost, những thông tin rò rỉ gần đây về một cuộc tấn công với quy mô lớn hơn từ Mỹ nhằm vào Iran có thể là một cách "giương Đông kích Tây", đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi kế hoạch ám sát ông Fakhrizadeh.
Fakhrizadeh chỉ là một con người và kiến thức của ông là thứ có thể thay thế được nhưng khi đặt vụ ám sát này bên cạnh vụ sát hại tướng Solemani, và chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Abu Muhammad al-Masri ẩn náu tại Tehran, có thể thấy rõ một thông điệp rằng: Iran sẽ phải trả giá khi tiếp tục tiến tới vũ khí hạt nhân.
Viễn cảnh mà Tel Aviv muốn tránh sẽ nảy sinh khi họ cảm thấy rằng Iran đang tiến tới đích sở hữu vũ khí hạt nhân thông qua thỏa thuận hạt nhân mới hoặc cũ mà không bị cản trở.
Trong trường hợp đó, Israel sẽ có xu hướng cảm thấy rằng họ cần một cuộc tấn công đường không quy mô lớn nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran, dù vẫn đang diễn ra một cuộc tranh luận không hồi kết về việc liệu Israel có đủ khả năng tấn công cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz [đang trong quá trình xây dựng] của Iran hay không.
Hình ảnh vệ tinh chụp lại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: FT
Cơ sở Natanz đặc biệt đáng lo ngại với Tel Aviv bởi các máy ly tâm tiên tiến tại đây có thể rút ngắn đáng kể thời gian sản xuất vật liệu phân hạch cho bom hạt nhân mà không có dấu hiệu cảnh báo rõ rệt.
Theo JPost, thay vì chơi trò chơi dài hạn của Iran, Israel hy vọng rằng các tín hiệu thường kỳ mà họ gửi tới nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei sẽ khiến Tehran nhụt chí và không dám tiến đến quá gần điểm bùng nổ.
Điều đó có nghĩa Israel đôi lúc sẽ chơi một trò chơi nguy hiểm nhằm tìm cách thiết lập giải pháp thứ ba, trong đó không đi đến thỏa thuận hạt nhân mới tức thời hay chiến tranh.
Tuy nhiên, JPost cho rằng, nếu trò chơi nguy hiểm đó không bao gồm một chiến dịch quy mô lớn hơn, tinh vi hơn và có thể dẫn tới phản ứng dữ dội từ Iran thì các chiến dịch ám sát và phá hoại có thể sẽ cho phép duy trì một nền hòa bình [dù không mấy dễ chịu] hoặc ít nhất tránh làm nổ ra chiến tranh toàn diện.