Sự đón nhận trái ngược
"Chỉ là giao hữu thôi mà", "thử kêu đốt tịt", "thắng Thái trận đầu thì lại thua chung kết thôi", đó là một số ý kiến nói về chiến thắng 1-0 của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan.
Đúng thật, đây là một giải đấu giao hữu. Nhưng đối thủ Thái Lan không hề cợt nhả một chút nào. Trái lại, họ mang đầy đủ binh hùng tướng mạnh và trong trận đấu luôn cố tận dụng mọi cơ hội để lên bóng, hòng "đè bẹp" U19 Việt Nam.
U19 Việt Nam 1-0 U19 Thái Lan
Chính vì thế, việc đoàn quân dưới quyền HLV Hoàng Anh Tuấn giành được 3 điểm là rất đáng khen. Nên nhớ tại giải U19 Đông Nam Á năm ngoái, chúng ta từng thua người Thái đến 0-6.
Vậy nhưng, đón nhận thắng lợi này lại là một thái độ thờ ơ. Nó trái hẳn với những gì chúng ta từng thấy khi ĐT Việt Nam thắng Cúp tứ hùng giao hữu ở Myanmar hồi tháng 5. Hoặc xa hơn nữa là những trận đấu của lứa Công Phượng tại những giải U21 quốc tế.
Tại sao lại như vậy? Có thể do giải Tứ hùng U19 lần này tại Myanmar không phủ sóng rộng như những giải đấu khác. Cũng có thể do lối đá của Việt Nam chưa thực sự bùng nổ. Nhưng trên hết, dường như người hâm mộ bắt đầu "cảnh giác" hơn với các giải giao hữu.
So với những trận đấu của lứa Công Phượng, U19 Việt Nam năm nay kém sức hút hơn khá nhiều.
Về phần các cầu thủ U19 Việt Nam, họ cũng đã quen chiến đấu âm thầm trong suốt thời gian nên hẳn cũng chẳng mấy ngạc nhiên trước phản ứng của CĐV.
Đá chơi hay đá thật?
Một trong những điều mà bóng đá Việt Nam thường sợ nhất khi thi đấu giao hữu là "lộ bài". Bởi khi bước vào giải đấu chính thức, yếu tố bất ngờ góp phần quan trọng trong chiến thắng.
Nhiều người cho rằng, U19 Việt Nam đừng "cháy" quá ở cúp Tứ hùng trên đất Myanmar làm gì mà hãy giữ "lửa" cho các giải U19 Đông Nam Á và châu Á sắp tới.
Tuy nhiên, quan điểm này có phần bất hợp lý. Thứ nhất, các cầu thủ chẳng có nhiều dịp tập trung với nhau, nếu không thể hiện hết mình, BHL sẽ khó lòng đánh giá trình độ, vì lúc tập luyện khác hẳn khi thi đấu.
U19 Việt Nam cần thật nhiều những trận đấu với các đối thủ mạnh để trưởng thành.
Thứ hai, "bài độc" dù về lý thuyết lợi hại đến đâu mà chưa được áp dụng và thực tế trận đấu thì khả năng thành công khó lòng cao. Tại Euro 2016 vừa rồi, BĐN cũng đến giải đấu mà chẳng có "chiêu thức" nào quá mới mẻ. Phải đến cuối vòng bảng, họ mới phát hiện ra Renato Sanches là một vũ khí "khủng".
Trong quá khứ, nhiều lần người hâm mộ từng "ngã ngửa" vì nghĩ đội tuyển Việt Nam "giấu bài" song thực ra là chẳng có bài gì đặc sắc cả.
Trước mỗi đối thủ, cách nhập cuộc lại khác nhau. "Độc chiêu" có thể hạ được đội này song chưa chắc đánh bại được đội khác. Thay vì lo "lộ bài", tại sao không luyện các bài tủ của mình thật tinh, thật hiểm? Dù là giao hữu, cũng cần phải đá hết mình, như vậy mới lên chân được.